Trước khi về tay Nvidia, VinBrain được tỷ phú Phạm Nhật Vượng rót vốn "khủng" và gây ấn tượng nhờ những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
Tối 5/12, chia sẻ sau lễ ký thỏa thuận thành lập 2 trung tâm AI với Chính phủ, CEO Nvidia Jensen Huang cho biết tập đoàn này đã mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.
Trang web của VinBrain vào sáng 6/12 cũng cập nhật giao diện với thông báo trở thành một phần của Nvidia, được Nvidia mua lại vào tháng 12/2024 và không còn là một thực thể độc lập.
Ngoài VinBrain, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới cũng được cho rằng đã từng cân nhắc mua lại VinAI - một thành viên khác của Vingroup.
Ông Huang cho hay Nvidia "rất may mắn" có được sự hợp tác với Vingroup và VinBrain trong hoạt động đầu tư phát triển lĩnh vực AI tại Việt Nam. Theo CEO Nvidia, VinBrain là một startup phi thường và tuyệt vời của Việt Nam.
CEO Nvidia Jensen Huang tại sự kiện tối 5/12 ở Hà Nội. Ảnh: VGP
Trước đó, VinBrain đã thiết lập mối quan hệ với “gã khổng lồ” công nghệ khi gia nhập Nvidia Inception - chương trình toàn cầu hỗ trợ các startup AI xuất sắc. VinBrain là một trong số 1% đối tác được trở thành thành viên cao cấp trong tổng số hơn 1.300 startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tham gia chương trình.
Theo ông Huang, thương vụ mua lại VinBrain đã hoàn tất để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam.
Theo kế hoạch, Nvidia sẽ lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (Vietnam Research and Development Center - VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam. Hai cơ sở này được kỳ vọng là nền tảng giúp Nvidia cùng các đối tác trong nước triển khai AI tiên tiến.
Ông Huang đánh giá đây là một cơ hội đặc biệt cho Việt Nam. Trong đó, trung tâm R&D của Nvidia sẽ là nơi để ươm mầm một số lượng lớn nhà nghiên cứu AI tại Việt Nam.
Để thúc đẩy AI Việt Nam, CEO Nvidia cho rằng có 3 việc phải làm. Đầu tiên là xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho AI.
Thứ hai là tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển đội ngũ chuyên gia AI. Việt Nam có lợi thế vượt trội với truyền thống xuất sắc về STEM với đội ngũ và chuyên gia phần mềm rất đông đảo và tài năng.
Thứ ba, là hỗ trợ các công ty khởi nghiệp AI của Việt Nam. Theo ông Huang, những nhà sáng tạo trẻ, những nhà nghiên cứu AI trẻ tuổi muốn xây dựng tương lai tại đây. Rất nhiều doanh nhân Việt Nam muốn có cơ hội xây dựng một công ty AI tuyệt vời ngay tại quê hương mình.
Sáng 6/12, website của VinBrain cập nhật giao diện với dòng thông báo VinBrain hiện là một phần của Nvidia, được Nvidia mua lại vào tháng 12/2024 và không còn là một thực thể độc lập.
Hiện thời gian chi tiết và kế hoạch cụ thể về thương vụ M&A giữ Nvidia và đối tác Việt Nam vẫn chưa được công bố. Song CEO Jensen Huang cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Theo ông Huang, sự thông minh của AI được đào tạo từ dữ liệu và dữ liệu của Việt Nam là tài nguyên của quốc gia. Đồng thời, Nvidia cũng cam kết thúc đẩy sự phát triển của AI, hỗ trợ đào tạo nhân tài cũng như các dự án khởi nghiệp trong nước.
VinBrain là công ty liên kết của Vingroup. Doanh nghiệp được thành lập năm 2019, có tiền thân là Công ty TNHH Tư vấn Giải pháp Tự động hóa Quản trị VinBrain với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và thuộc sở hữu 100% của Công ty CP Phát triển Công nghệ.
VinBrain là 1 trong 6 công ty thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp của Vingroup, bên cạnh VinFast, VinCSS, VinAI, VinBigdata, VinHMS. Doanh nghiệp này do ông Steven Trương (Trương Quốc Hùng, sinh năm 1966) làm Tổng giám đốc. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy vi tính.
Theo cổng đăng ký thông tin doanh nghiệp, từ khi thành lập, VinBrain chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào tháng 8/2021.
Báo cáo tài chính của Vingroup cho thấy tính đến cuối tháng 6, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sở hữu 49,74% cổ phần tại VinBrain. Vingroup đã đầu tư 126,6 tỷ đồng vào VinBrain tính đến tháng 12/2023.
VinBrain đã trải qua nhiều đợt tăng vốn điều lệ. Đến tháng 11/2024, VinBrain có vốn điều lệ 627,7 tỷ đồng. Trong đó có 4 cổ đông người nước ngoài nhưng chỉ nắm 0,938% vốn điều lệ.
Vào tháng 10, cơ cấu cổ đông của VinBrain có 4 nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chiếm chưa tới 4% vốn điều lệ. Tại ngày 15/11, thông tin đăng ký kinh doanh của VinBrain ghi nhận doanh nghiệp không có vốn nước ngoài.
VinBrain được giới thiệu là công ty tiên phong phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, nổi bật với sản phẩm trong mảng bệnh lao và ung thư.
Sản phẩm chủ đạo mà VinBrain phát triển trong 5 năm qua là trợ lý bác sĩ AI DrAid - hỗ trợ cho các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng, AIscaler - nền tảng gán nhãn dữ liệu, AIviCam - giải pháp AI Camera an ninh và SenMe - ứng dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần tích hợp AI...
Trong đó, DrAid là sản phẩm ứng dụng AI đầu tiên tại Việt Nam, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh về tim - phổi - xương thông qua hình ảnh X-quang, do VinBrain phát triển từ năm 2019. Dr Aid có thể hỗ trợ chẩn đoán được 19 thứ bệnh dấu hiệu bất thường và bệnh lý về tim – phổi – xương, có thể đưa kết quả trong vòng 5 giây.
VinBrain cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thương mại hoá được sản phẩm AI trong y tế trên thị trường quốc tế.
Công ty này đã và đang triển khai các giải pháp này tại hơn 182 bệnh viện ở Việt Nam, Mỹ, Ấn Độ, Australia... giúp các chuyên gia y tế nâng cao hiệu quả làm việc.
Hiện VinBrain đã có những hợp đồng thương mại tại 5 thị trường gồm Mỹ, Ấn Độ, Myanmar, Australia và Việt Nam.
Tại Việt Nam, VinBrain hợp tác với các bệnh viện lớn như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và hệ thống y tế tư nhân như Medlatec.
Trong báo cáo thường niên năm 2023 của Vingroup, VinBrain hướng tới mục tiêu trở thành đơn vị dẫn đầu Đông Nam Á về thị phần sản phẩm AI trong lĩnh vực y tế. Startup này không chỉ lên kế hoạch mở rộng văn phòng tại các thị trường trọng điểm như Mỹ, Canada và Singapore mà còn hướng tới cung cấp giải pháp trên phạm vi toàn cầu.