Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, dòng thương mại toàn cầu đang dịch chuyển để thích nghi. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu trong năm 2023 đạt 23,8 nghìn tỷ USD, giảm 5% so với năm trước đó. Khoảng 20 trong số 30 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới ghi nhận sự sụt giảm giá trị xuất khẩu. Số lượng các hạn chế thương mại toàn cầu tăng gần gấp 5 lần kể từ năm 2015, đạt gần 3.000 biện pháp hạn chế trong năm qua.
Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 giảm 4,6% (giảm khoảng 17,04 tỷ USD) so với năm trước.
Trong đó, giảm mạnh nhất là các nhóm hàng như nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện giảm 5,61 tỷ USD; hàng dệt may giảm 4,27 tỷ USD; giày dép các loại giảm 3,66 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,62 tỷ USD; gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 2,54 tỷ USD; hàng thủy sản giảm 1,95 tỷ USD; hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 750 triệu USD…
Bên cạnh đó, xuất khẩu một số nhóm hàng trong năm 2023 vẫn đạt mức tăng cao so với năm trước. Cụ thể, hàng rau quả tăng 2,24 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 2,17 tỷ USD; gạo tăng 1,22 tỷ USD; hạt điều tăng 558 triệu USD.
Bất chấp rào cản thuế quan, xuất khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì sức chống chịu tốt. Trong năm 2023, Trung Quốc xuất khẩu tổng cộng 3,4 nghìn tỷ USD hàng hóa, vượt xa Mỹ gần 1,4 nghìn tỷ USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc gần chạm mức cao nhất mọi thời đại vào khoảng 500 tỷ USD hàng hoá sang Mỹ.
Mỹ là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới gần nhất là vào năm 1979. Nhưng từ đó đến nay, nước này chứng kiến thâm hụt thương mại ngày càng lớn. Dù vậy, xuất khẩu năng lượng - mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ - đã chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong thập kỷ qua. Năm 2023, thặng dư thương mại ròng của mặt hàng năng lượng Mỹ là 65 tỷ USD. Sản lượng năng lượng nội địa tăng đáng kể đã giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được các cú sốc giá dầu như cú sốc xảy ra do chiến tranh Nga-Ukraine.
Đức là nền kinh tế xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, với kim ngạch năm 2023 tăng 1% so với năm trước dù tăng trưởng kinh tế âm. Nền kinh tế phụ thuộc lớn vào công nghiệp này chịu tác động nặng nề khi giá dầu tăng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí phải dừng sản xuất.
Năm 2023, Đức xuất khẩu 160 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, con số này có thể giảm tới 15% nếu các đề xuất tăng thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Trong đó, ngành ô tô và dược phẩm sẽ bị tác động lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ được dự báo sẽ lần lượt giảm 32% và 35%.
Danh sách các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất không chỉ phản ánh sự phân bổ sức mạnh thương mại toàn cầu mà còn cho thấy những thách thức do biến động địa chính trị và chính sách thương mại. Trong khi Trung Quốc và Mỹ vẫn là những người chơi lớn, các quốc gia khác như Đức đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và biến động kinh tế. Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải thích nghi và tìm kiếm các cơ hội mới để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Huyền My (t/h)