Tỷ phú Trần Đình Long 'hiến kế' để có DN lớn các như tập đoàn Hàn Quốc
Doanh Nhân

Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát khẳng định, nếu Nhà nước mong muốn có các doanh nghiệp lớn như Pohang, Posco của Hàn Quốc thì cần có chính sách đặc thù, thậm chí là phi kinh tế để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đủ lớn.

ại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ phú Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn Hoà Phát cho biết những kết quả mà doanh nghiệp này nói chung và ngành thép nói riêng đã đạt được trong thời gian qua không phải là nhỏ.

“Tập đoàn Hòa Phát là tập đoàn sản xuất công nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực với hàng loạt sản phẩm như thép, chăn nuôi, điện máy, bất động sản…Trong đó, sản xuất thép là lĩnh vực chủ chốt.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát phát biểu. (Ảnh: TTXVN).

Hiện nay, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với sản lượng trên 8 triệu tấn. Từ năm 2025, sau khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành thì năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát là hơn 14 triệu tấn/năm, trong đó, 8,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng, thép chất lượng cao”, tỷ phú Trần Đình Long tự hào. 

Đồng thời, tỷ phú Trần Đình Long cũng cho biết Hòa Phát cũng là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, Hòa Phát hiện sở hữu Khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi với số vốn tập đoàn đã đầu tư là khoảng 7 tỷ USD. Khi dự án Dung Quất 2 ổn định, doanh thu hàng năm từ 150.000 - 250.000 tỷ đồng và mỗi đóng góp khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng vào ngân sách. Lũy kế trong hơn 10 năm qua, chúng tôi đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 100.000 tỷ đồng.

Dù những kết quả đạt được trong thời gian qua là không hề nhỏ, tuy nhiên, theo ông Long muốn ngành thép nói riêng và doanh nghiệp tư nhân nói chung phát triển, lớn mạnh hơn nữa vẫn cần Nhà nước hỗ trợ, khơi thông nhiều rào cản, thách thức còn tồn tại.

Theo đó, tỷ phú Trần Đình Long kiến nghị 3 vấn đề mà theo ông Long đều là những vấn đề chung, không riêng bất kỳ doanh nghiệp nào. 

Thứ nhất, với câu chuyện thể chế chính sách, ông Long cho rằng cần được tháo gỡ nhanh hơn, nhanh hơn và nhanh hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước.

“Ví dụ, việc quy hoạch cảng biển ảnh hưởng rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và với riêng Hòa Phát, tổng số nguyên vật liệu thông qua cảng khoảng 70 triệu tấn/năm. Như vậy, nếu không xong các cảng theo quy hoạch sẽ không thể thông qua được lượng hàng khổng lồ như vậy, doanh nghiệp có thể phải gánh hậu quả sản xuất bị đình trệ”, ông Long kiến nghị.

Kiến nghị thứ hai, ông Long cho rằng cần có văn bản cụ thể hóa rõ ràng các chính sách nhằm ủng hộ, bảo vệ sản xuất trong nước. 

“Chúng tôi rất mong Chính phủ, các Bộ ban ngành có chính sách quy định cụ thể, ủng hộ và bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước theo các quy định của Việt Nam và quốc tế để doanh nghiệp yên tâm đầu tư”, ông Long kiến nghị với Chính phủ. 

Kiến nghị thứ ba, ông Long nói rằng xuất phát từ năm 1995, khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hiệp hội Thép Đông Nam Á, tính đến hiện tại là 29 năm, Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu Đông Nam Á và thứ 12 thế giới về sản lượng thép. Đây là một thành tích, một quá trình rất đáng tự hào của ngành thép Việt Nam.

“Do đó, nếu Nhà nước mong muốn có các doanh nghiệp lớn như Pohang, Posco của Hàn Quốc thì cần có chính sách đặc thù, thậm chí là phi kinh tế để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đủ lớn”, ông Long nói. 

Cuối cùng, ông Long nhấn mạnh cuộc cạnh tranh trong ngành thép là cực kỳ khốc liệt, hao tổn rất nhiều tiền. 

“Do đó, tôi mong rằng trong quy hoạch, chiến lược phát triển ngành thép có biện pháp hỗ trợ đặc biệt để nuôi dưỡng phát triển được doanh nghiệp sản xuất thép lớn. Ngành thép có lớn mạnh thì ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ phát triển. Qua đó, nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu”, ông Long khẳng định.