Vào thời kỳ hoàng kim của Volkswagen vào đầu thập kỷ này, CEO khi đó là ông Herbert Diess và CEO Tesla là Elon Musk có mối quan hệ "thân thiết khác thường" khi dành nhiều “lời khen có cánh” cho những thành tựu trong ngành ô tô của nhau. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi.
Ông Diess từng ca ngợi Tesla là chuẩn mực cho thành công của EV, trong khi tỷ phú Elon Musk tuyên bố ông chủ của Volkswagen "đang làm nhiều hơn bất kỳ nhà sản xuất ô tô lớn nào để chuyển sang điện khí hóa".
Nhưng ở thời điểm hiện tại, bối cảnh đã thay đổi đáng kể. Ông Musk hiện là người giàu nhất thế giới, với định giá thị trường của Tesla tăng vọt gấp 14 lần so với Volkswagen.
Cựu CEO Volkswagen Herbert Diess và CEO Tesla là Elon Musk từng có mối quan hệ "thân thiết khác thường".
Mặt khác, ông Diess đã từ chức vào năm 2022 trong lúc nhà sản xuất ô tô này đang chuyển hướng sang xe điện (EV). Volkswagen hiện vẫn đang phải vật lộn để duy trì tham vọng về EV của mình, thậm chí còn cân nhắc đến việc đóng cửa các nhà máy ở Đức. Trong khi Tesla phát triển mạnh mẽ, giấc mơ về EV của Volkswagen dường như đang phai nhạt.
Một sự tương phản rõ rệt là kết quả của cuộc điều tra thuế quan gần đây của châu Âu. Tesla, sản xuất EV tại Trung Quốc, đã đàm phán được các điều khoản có lợi với Ủy ban châu Âu, đảm bảo mức thuế quan thấp hơn. Ngược lại, đối tác Trung Quốc của Volkswagen là SAIC đã bị nâng mức thuế lên 35,3% vì không tuân thủ, làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn giữa hai nhà sản xuất ô tô.
Volkswagen là một trong những hãng sản xuất ô tô nước ngoài đầu tiên vào Trung Quốc vào những năm 1980. Còn sự gia nhập của Tesla đã tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường Trung Quốc, khơi dậy cơn sốt xe điện đã từng đẩy VW vào thế bí.
Năm 2020, xe điện chỉ chiếm 6% doanh số bán hàng của Trung Quốc, trong khi trong nửa đầu năm nay, con số đó là 43%. Trong giai đoạn đó, các thương hiệu ô tô nước ngoài đã mất 27% thị phần tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ công ty tư vấn của Russo.
Trong số 20 thương hiệu xe điện hàng đầu trên toàn cầu, 16 thương hiệu đến từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Theo Russo, Tesla là công ty duy nhất không phải của Trung Quốc có các mẫu xe trong top 10. Dòng xe Model Y của hãng này đứng đầu trong số tất cả các loại xe, với hơn 1,2 triệu mẫu xe được bán ra. ID.4 của Volkswagen ở vị trí thứ 12 trong doanh số các loại xe điện, khi chỉ bán được 193.000 chiếc.
Hầu như mọi nhà sản xuất ô tô đều có liên quan đến Trung Quốc. Khi doanh số bán ô tô toàn cầu đạt đỉnh vào năm 2017, Trung Quốc là thị trường có lợi nhuận cao nhất và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng Volkswagen lại đặc biệt dễ bị tổn thương.
Volkswagen, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, đã chứng kiến gần một nửa doanh số toàn cầu của mình đến từ Trung Quốc vào thời kỳ đỉnh cao năm 2017.
Nhưng trong những năm gần đây, doanh số của VW tại Trung Quốc đã lao dốc, chỉ bán được 3 triệu chiếc vào năm 2023, giảm mạnh so với mức 10 triệu chiếc mà hãng từng tự hào.
Tesla hiện có nhiều bước tiến so với Volkswagen.
Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất xe điện trong nước, được thúc đẩy bởi sự gia nhập mạnh mẽ của Tesla vào thị trường Trung Quốc, đã khiến các thương hiệu nước ngoài, bao gồm cả Volkswagen, phải vật lộn để theo kịp.
Trong khi Tesla phát triển mạnh mẽ trong cơn sốt xe điện này, Volkswagen lại phải vật lộn với thực tế là mất đi thị trường có lợi nhuận cao nhất của mình. Trong nửa đầu năm nay, doanh số bán hàng của Volkswagen tại Trung Quốc đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2023.
“Nếu bạn mất đi thị trường lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất của mình, điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Họ đã từng mạnh nhất và họ có nhiều thứ để mất nhất”, ông Bill Russo, một nhà phân tích ô tô đã sống ở Trung Quốc trong 20 năm qua, nhận định.
Các thương hiệu châu Âu đã tụt hậu so với Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi xe điện. Họ không chỉ không có cùng chuỗi cung ứng pin như các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc mà còn thiếu các nền tảng phần mềm và chip cần thiết.
Khi Trung Quốc gặp phải vấn đề tương tự vào những năm 1980, họ đã mời các nhà sản xuất ô tô nước ngoài tham gia miễn là họ làm việc với một thương hiệu trong nước. Bây giờ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đó có công nghệ và kinh nghiệm để trở thành đối thủ cạnh tranh khốc liệt, và đang đảo ngược sự sắp xếp cũ khi thành lập các liên doanh ở châu Âu .
Volkswagen có rất nhiều quan hệ đối tác, bao gồm cả quan hệ đối tác với công ty mới Xpeng để phát triển hai mẫu xe điện cho thị trường Trung Quốc.
Nhưng VW đã nói với Politico vào tháng 3 rằng họ sẽ không mở các nhà máy ở châu Âu cho các đối tác Trung Quốc. Khi được hỏi lại sau thông báo rằng họ có thể đóng cửa các nhà máy ở Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, thương hiệu này vẫn giữ nguyên lựa chọn này.
Volkswagen và Tesla có một điểm giống nhau: Họ đều phải đối mặt với cùng một thách thức về tình trạng dư thừa công suất.
Trung Quốc đang phải đối mặt với những cơn gió ngược kinh tế của riêng mình, với sự bùng nổ của xe điện đã dẫn đến một ngành ô tô quá bão hòa đang tuyệt vọng muốn bán xe của mình ra nước ngoài, bao gồm cả thị trường quê nhà châu Âu của VW. Tất nhiên, chi phí sản xuất rẻ hơn có nghĩa là các mẫu xe Trung Quốc có mức giá hấp dẫn.
VW không phải là thương hiệu Đức duy nhất gặp khó khăn ở Trung Quốc, BMW và Mercedes cũng đang phải đối mặt với những trở ngại tương tự. (Ảnh: Jack Taylor/Getty Images)
Tại châu Âu, doanh số bán xe điện đã giảm, làm suy yếu sự thống trị của Tesla. Nhưng Volkswagen còn phải chịu thêm một gánh nặng nữa, hãng vẫn phụ thuộc vào doanh số bán xe động cơ đốt trong để duy trì doanh thu, vì xe điện chỉ chiếm 8,3% doanh số bán hàng vào năm ngoái.
Nếu điều đó không thay đổi nhanh chóng, VW sẽ phải chịu khoản tiền phạt lớn nếu không đáp ứng được các yêu cầu về khí thải mới của EU có hiệu lực vào năm tới.
Giám đốc điều hành của Renault, ông Luca de Meo, cũng là người đứng đầu tổ chức vận động hành lang ô tô châu Âu ACEA, cảnh báo ngành công nghiệp ô tô của châu Âu có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 15 tỷ euro.
Theo phân tích của Dataforce, VW cùng với Ford đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong số các nhà sản xuất ô tô châu Âu trong việc đạt được mục tiêu vào năm 2025.
VW đã thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) hoãn các mục tiêu khi CEO Oliver Blume phát biểu trong một cuộc họp với các nhà đầu tư rằng "không hợp lý khi ngành công nghiệp phải trả tiền phạt khi các điều kiện khung cho việc tăng cường sản xuất xe điện vẫn chưa được đưa ra".
Cho dù EC có chấp thuận lời "thỉnh cầu" của Volkswagen hay không, nhà sản xuất ô tô Đức này vẫn phải tiếp tục triển khai kế hoạch sản xuất xe điện của mình.
Ông Russo cho biết: “Các công ty nước ngoài đã trì hoãn quá nhiều, phân tích quá nhiều và nghĩ rằng 'liệu động cơ đốt trong có quay trở lại không?. Đó chỉ là suy nghĩ viển vông thôi'”
POLITICO