Những tháng cuối năm, nhập khẩu thịt sẽ không tăng đột biến
Xuất Nhập Khẩu

Bộ Công thương cho biết nguồn cung thịt của Việt Nam thời gian tới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 10 năm nay, các doanh nghiệp Việt đã chi gần 1,38 tỷ USD để nhập khẩu các loại thịt và phụ phẩm chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này tăng 14,2%. Các sản phẩm nhập khẩu chủ yếu thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống; thịt lợn và thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh...

Đáng chú ý, trong quý III vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 32,01 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 72,51 triệu USD, giảm 32,4% về lượng và giảm 39% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Bộ Công Thương.

Những tháng cuối năm, nhập khẩu thịt sẽ không tăng đột biến- Ảnh 1.

Brazil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan là những thị trường cung cấp thịt lợn lớn cho Việt Nam trong quý III. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thị lợn cho Việt Nam với lượng đạt 11,8 nghìn tấn, trị giá 28,04 triệu USD giảm 43% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với quý III/2023.

Bên cạnh thịt lợn, trong quý III, lượng nhập khẩu thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của trâu, bò,... tăng so với quý cùng kỳ năm 2023. Thịt nhập khẩu có giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm trong nước, bằng một nửa hàng nội địa đã tạo sức hút lớn trên thị trường. Đây là nguyên nhân khiến thịt ngoại ào ạt nhập về Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hiện nhập khẩu thịt lợn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn cung thịt lợn của Việt Nam, dưới 10%. Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu chủ yếu phục vụ cho nhu cầu chế biến, và thường tăng cao là quý II và cuối quý IV và các quý còn lại thấp điểm.

"Thông thường nhập khẩu thịt lợn sẽ tăng vào quý II và quý IV; giảm vào quý I và III. Nguyên nhân là quý II là mùa cao điểm du lịch nên nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm chế biến như xúc xích, giò chả, dăm bông,...tăng cao. Tương tự ở quý IV, nhu cầu các sản phẩm này phục vụ cho dịp Tết tăng. Do đó, nhập khẩu thịt lợn đông lạnh có thể tăng trở lại vào cuối quý IV" - ông Trọng nói.

Bộ Công Thương cho biết nguồn cung thịt của Việt Nam thời gian tới cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến. Trong đó, các mặt hàng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu trong thời gian tới chủ yếu vẫn là các chủng loại thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu, bò, lợn tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống đông lạnh.

Liên quan đến nhập khẩu thịt và các loại phụ phẩm về Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, những sản phẩm nhập khẩu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất chặt chẽ của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, trong quý III, Việt Nam xuất khẩu được 5,3 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 24,85 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 12,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Công thương dự báo thời gian tới, xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chính chủ yếu vẫn là thị lợn sữa đông lạnh, thị lợn đông lạnh, chân gà đông lạnh, thịt ếch đông lạnh…

Huyền My (t/h)