Các ứng dụng điện thoại thông minh cảnh báo động đất trở nên phổ biến ở Đài Loan (Trung Quốc) sau khi người dân nơi đây trải qua hơn 1.300 dư chấn động đất làm rung chuyển hòn đảo trong tháng qua.
Ngày 3/4, bờ biển phía Đông Đài Loan (Trung Quốc) đã hứng chịu trận động đất mạnh 7,2 độ richter, khiến 17 người thiệt mạng.
Ứng dụng Nền tảng thông tin phòng, chống thiên tai (DPIP) do tư nhân phát triển. Ảnh: Reuters
Các dư chấn thường xuyên xảy ra kể từ thời điểm này với hơn 200 cơn chấn động trong khoảng thời gian từ 24 giờ ngày 22/4, khiến nhiều người lo lắng. Đến nay, Đài Loan ghi nhận hơn 1.300 dư chấn chỉ trong 1 tháng.
Mặc dù chính quyền Đài Loan có hệ thống cảnh báo động đất tự động, được gửi dưới dạng tin nhắn văn bản kèm theo âm thanh lớn phát ra vài giây trước khi rung chấn bắt đầu xảy ra, nhưng theo đại diện chính quyền, hệ thống này hoạt động không ổn định. Ở Đài Bắc, hệ thống này không phát ra âm thanh cảnh báo trước khi trận động đất ngày 3/4 xảy ra.
Hơn nữa, hệ thống cảnh báo chính thức của Đài Loan chỉ dành cho người dùng điện thoại ở những khu vực có thể xảy ra động đất với cường độ ước tính từ cấp 4 trở lên, mức đủ mạnh khiến một số đồ đạc di chuyển, gây nứt tường, làm gián đoạn nguồn điện và nước.
Hạn chế này cùng với nhu cầu cập nhật thông tin động đất nhanh và chi tiết hơn đã khiến các ứng dụng cảnh báo động đất do tư nhân phát triển trở nên phổ biến hơn.
Điển hình như Nền tảng thông tin phòng chống thiên tai (DPIP) được khá nhiều người ưa thích.
Kuo Chen-yu, nhà đồng sáng lập của Nền tảng thông tin phòng chống thiên tai (DPIP), cho biết, ứng dụng DPIP cung cấp cảnh báo sớm động đất có thể tùy chỉnh theo ý của người dùng.
Lin Ruei, một đồng sáng lập khác DPIP, cho biết, ứng dụng có số người dùng tăng vọt từ 3.000 lên 370.000 người chỉ trong vài tuần. DPIP theo dõi các sóng địa chấn chuyển động nhanh nhờ hơn 130 cảm biến địa chấn cài đặt trên khắp hòn đảo để đưa ra cảnh báo sớm. Chẳng hạn, ứng dụng này có thể cảnh báo người dùng ở khu vực đông dân cư phía Tây Đài Loan (Trung Quốc) sớm 30 giây về một trận động đất ở bờ biển phía Đông.
Wu Chien-fu, Giám đốc Trung tâm địa chấn của Cơ quan Quản lý Thời tiết Trung ương, khuyến khích tư nhân phát triển các công cụ thay thế hữu ích hơn nhằm cung cấp các biện pháp cải tiến để ứng phó với thảm họa.
Theo Reuters, những tính năng hữu ích bổ sung trên các ứng do tư nhân phát triển khá thu hút người dùng như tự động bật đèn pin trước khi xảy ra rung chấn, đồng hồ đếm ngược hoặc cảnh báo về các trận động đất nhỏ hơn.
“30 giây đếm ngược giúp tôi có đủ thời gian để chuẩn bị tinh thần, lấy bộ dụng cụ sinh tồn và chạy đến phòng con tôi”, một người dùng viết trong phần đánh giá về ứng dụng Cảnh báo nhanh động đất ở Đài Loan - hiện là một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên điện thoại.
PV