Ngày 22/12, chính thức chạy metro số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên
Tài Chính - Đầu Tư

Ban đường sắt đô thị TP. HCM (MAUR) dự kiến, Metro số 1 TP. HCM sẽ khai thác chính thức vào ngày 22/12/2024.

Theo đó, thời gian tàu chạy 1 chuyến là 29 phút với lộ trình 19,7 km từ Bến Thành đến Suối Tiên, qua 14 ga.

Quá trình vận hành thương mại chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (6 tháng đầu) vận hành 200 chuyến/ngày với 9 đoàn tàu, hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ. Thời gian giãn cách 8 phút/chuyến cao điểm và 12 phút/chuyến thấp điểm.

Giai đoạn 2 dự kiến tăng lên 276 chuyến/ngày từ thứ hai đến thứ sáu và 226 chuyến/ngày vào cuối tuần, dịp lễ, Tết; thời gian hoạt động từ 5 giờ đến 23 giờ 30 phút.

Giá vé lượt đối với người dùng tiền mặt từ 7.000 - 20.000 đồng (tùy theo quãng đường). Nếu thanh toán không dùng tiền mặt, giá vé từ 6.000 - 19.000 đồng.

Đối với vé tháng, hành khách phổ thông là 300.000 đồng/người; học sinh, sinh viên 150.000 đồng/người. Riêng người có công, người khuyết tật, người trên 60 tuổi và trẻ em dưới 6 tuổi được miễn vé.

Metro số 1 T^P. HCM sẽ vận hành chính thức ngày 22/12/2024

Các bãi đậu xe quanh nhà ga metro

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải TP. HCM), thành phố đã và đang hoàn thiện dự án tăng khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1. Trong đó có 7 bãi xe (2 bãi đậu xe buýt, còn lại để xe cá nhân).

Cụ thể, ga Văn Thánh xây dựng bãi đậu xe buýt, diện tích khoảng 1.596m2 dưới gầm cầu đường sắt. Xây dựng 1 bãi đậu xe cá nhân khoảng 770m2 dưới gầm cầu vượt bên cạnh khu vực đón trả khách dành cho xe buýt, taxi.

Ga Thảo Điền xây dựng 1 bãi để xe cá nhân với diện tích khoảng 1.000m2 trên dải đất ven đường Võ Nguyên Giáp và lối đi kết nối đến chân cầu đi bộ.

Ga Rạch Chiếc xây dựng bãi để xe cá nhân với diện tích khoảng 1.500m2. Ga Phước Long có bãi để xe cá nhân với diện tích 1.000m2. Ga Bình Thái bãi xe buýt khoảng 3.000m2, bãi xe cá nhân với diện tích 1.000m2 và xây dựng lối đi đến chân cầu đi bộ.

Thành phố cũng xây dựng mới các hạng mục công trình liên quan như: 67 nhà chờ xe buýt, 196 trụ dừng xe buýt, đường bộ hành, vỉa hè... tại 11 vị trí gần các nhà ga trên cao.

Ngoài ra, theo thiết kế có 10 bãi giữ xe (sức chứa khoảng 500 chiếc xe máy) phía dưới các nhà ga trên cao phục vụ cho hành khách. Riêng khu vực ga Suối Tiên (trước bến xe Miền Đông mới) có thể tận dụng thêm bãi giữ xe của bến xe này.

Ở 3 ga ngầm khu vực trung tâm TP. HCM không có bãi gửi xe, nhưng người dân có thể tận dụng gửi ở các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, công viên…

Hiện nay các bãi xe và công trình kết nối đang vào giai đoạn cuối, và đa số đã cơ bản hoàn thiện. Dự kiến xong trước ngày 30/11.

Hàng chục tuyến xe buýt kết nối metro

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, dự kiến đoàn tàu vận hành thương mại ngày 22/12. Hiện công ty đã sẵn sàng nhân sự gồm 291 nhân viên nhà ga, 9 quản lý nhà ga, 61 kỹ thuật viên lái tàu, 24 kỹ thuật viên điều độ, 64 nhân viên bảo dưỡng. Mỗi ngày tùy bộ phận sẽ chia 2-3 ca làm việc, mỗi ca là 8 giờ.

Để hành khách thuận tiện đi, đến các ga, sẽ có 17 tuyến xe buýt mở mới gồm 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 161, 162, 163, 164, 165, 166, 167, 168 và 169. Các tuyến này kết nối ga metro với các khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, trường đại học, cao đẳng khu vực TP. Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1.

Ngoài 17 tuyến mở mới, những tuyến xe buýt hiện hữu có kết nối metro gồm tuyến số 1, 3, 4, 18, 19, 20, 31, 34, 36, 38, 39, 44, 45, 52, 53, 56, 65, 75, 88, 93, 102, 109, 152, D4 với tổng cộng 3.528 chuyến/ngày, có đi qua khu vực chợ Bến Thành và hành khách lên/xuống tại trạm trung chuyển trên đường Hàm Nghi.

Ngoài xe buýt, hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga metro thông qua hệ thống xe đạp công cộng, xe điện Buggy... đang hoạt động chở khách du lịch vòng quanh thành phố.