Ngành thuế và hải quan nỗ lực cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp
Chính Sách

Ngày 10/12, Bộ Tài chính phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) thuế và hải quan năm 2024 nhằm tháo gỡ khó khăn về chính sách và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với cộng đồng DN trong nước. "Các doanh nghiệp vừa phải đối mặt với những biến động khó lường của thị trường quốc tế, vừa phải khắc phục những tồn tại nội tại kéo dài, đồng thời xử lý nhiều vấn đề đột xuất như thiên tai, bão lũ", ông Công chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính, đã có nhiều động thái kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn. Bộ Tài chính đã điều chỉnh chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ DN đối phó với thách thức kinh tế. Giai đoạn 2021-2024, Bộ đã đề xuất các chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế với quy mô hỗ trợ lên đến 191 nghìn tỷ đồng, giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính, thúc đẩy phục hồi sản xuất.

Hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử được triển khai trên toàn quốc đã giúp 99,93% DN thực hiện nghĩa vụ thuế qua mạng, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm thời gian. Trong lĩnh vực hải quan, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia được cải tiến, hỗ trợ 7,6 triệu bộ hồ sơ và hơn 75.000 DN, góp phần giảm ùn tắc tại cảng, kho, bãi.

Ngành thuế và hải quan nỗ lực cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp- Ảnh 1.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị Hội nghị này và các hội nghị theo các quy mô, hình thức khác nhau, VCCI đã nhận được nhiều ý kiến, đánh giá tích cực của các DN, hiệp hội DN về ngành thuế và hải quan khi áp dụng các quy định mới phù hợp với DN, áp dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, giúp DN hoàn thành nghĩa vụ thuế nhanh hơn, thuận lợi hơn, chuyên nghiệp hơn.

"Tính từ Hội nghị đối thoại trong năm 2023, VCCI đã tập hợp ý kiến cùng với Bộ Tài chính giải quyết trên 450 ý kiến, kiến nghị của DN theo các quy mô khác nhau bao gồm các hội nghị đối thoại quy mô toàn quốc, vùng, địa phương, bao gồm cả các vướng mắc mang tính cá biệt và các vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật, qua đó giúp các đơn vị chức năng của Bộ xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của các DN", Chủ tịch VCCI thông tin.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, trong 3 năm 2021-2023 và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế như giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế thuế giá trị gia tăng 10%; giảm phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất....

Quy mô hỗ trợ của các giải pháp này là khoảng 191.000 tỷ đồng; trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 95.000 tỷ đồng; số tiền thuế, phí, lệ phí được giảm khoảng 96.000 tỷ đồng.

Đồng thời cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua cũng như trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách TTHC, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho DN.

Ngành thuế và hải quan nỗ lực cải cách và đồng hành cùng doanh nghiệp- Ảnh 2.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, tính đến ngày 15/11/2024, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng đạt 99,93% trên tổng số DN đang hoạt động. Bên cạnh đó, 98,57% DN trên cả nước đã tham gia nộp thuế điện tử, và 97% DN, tổ chức sử dụng phương thức điện tử để nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh nhằm hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) đã được triển khai hiệu quả, giúp đơn giản hóa thủ tục, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan hải quan và DN, rút ngắn thời gian, chi phí, và giảm ùn tắc tại cảng. Hiện nay, hơn 99% thủ tục hải quan được thực hiện qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp quản lý hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, tình hình kinh tế - xã hội năm 2025 vẫn còn nhiều thách thức từ những tác động bất lợi của kinh tế thế giới.

Bộ Tài chính cũng tiếp tục nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Mục tiêu là xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu huy động nguồn lực để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Hệ thống thuế mới sẽ đảm bảo cơ cấu bền vững, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế.

Nhật Mai