TS. Đặng Thị Bích Ngọc, Khoa Kế toán – Kiểm toán, Học viện Ngân hàng Tài chính cá nhân là một khái niệm tương đối phổ biến tại các thị trường phát triển, tuy nhiên đây là một khái niệm còn mới tại thị trường Việt Nam. Tài chính cá nhân đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế xã hội. Việc nâng cao nhận thức về tài chính nhân và phát triển hoạt động hoạch định tài chính cá nhận sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính cũng nh
Tuy nhiên, hiện nay hoạt động hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức. Bài viết này sẽ tập trung làm rõ các khái niệm về tài chính cá nhân, đánh giá thực trạng hoạt động hoạch định cá nhân tại Việt Nam từ đó đưa ra những gợi ý nhằm thúc đẩy và phát triển hoạt động này tại Việt Nam.
Tài chính cá nhân là việc quản lý, chi tiêu, sử dụng tiền bạc và của cải của các cá thể hoặc hộ gia đình với một mức độ rủi ro và các kế hoạch tương lai đã lường trước. Tài chính cá nhân cũng là các quyết định tài chính, các hoạt động liên quan tới tài chính bao gồm lập ngân sách, tiết kiệm, bảo hiểm, đầu tư, hưu trí và di sản.
Kế hoạch tài chính cá nhân sẽ giúp các cá nhân hiểu rõ về cách vận hành của tiền, các vấn đề tài chính đang gặp phải, để tìm ra cách giải quyết phù hợp. Cụ thể:
Giúp các cá nhân làm chủ đồng tiền; từ đó các nhu cầu cần thiết đến nhu cầu giải trí, mục tiêu cá nhân đều được đáp ứng và giải quyết hợp lý, giúp các cá nhân không chi tiêu quá mức, hạn chế lãng phí tiền vào những công việc vô bổ. Việc chi tiêu kiểm soát sẽ giúp tiền được sử dụng đúng mục đích, từ đó hạn chế các khoản nợ, vấn đề tài chính đau đầu do thiếu tiền.
Dễ dàng xây dựng các kế hoạch và mục tiêu tài chính, kế hoạch trong tương lai; ví dụ cụ thể như có đủ tiền trả cho nhu cầu tài chính ngắn hạn, lên kế hoạch khi nghỉ hưu hoặc tiết kiệm cho con cái vào trường đại học…
Chủ động hơn trong mọi trường hợp đột xuất bất ngờ xảy ra. Khoản tiền dự phòng, tiết kiệm sẽ giúp các cá nhân ứng phó kịp thời khi bị ốm, tai nạn, thất nghiệp hay bị cắt giảm lương do dịch bệnh…
Không chỉ quản lý chi tiêu tiền kiếm được mà còn giúp gia tăng tài sản của các cá nhân. Số tiền không chỉ để tiết kiệm và chi tiêu mà còn được sử dụng để đầu tư cho kỹ năng mới, nâng cao thu nhập.
Trong khi đó, hoạch định tài chính cá nhân là một quy trình thiết kế, thực hiện, giám sát và đánh giá thường xuyên một kế hoạch tổng thể nhằm đạt được các mục tiêu về tài chính của cá nhân trong cuộc sống. Hay nói cách khác đó là một quá trình phối hợp giữa bên tư vấn và khách hàng cá nhân nhằm tối đa hoá tiềm năng của khách hàng, giúp họ đạt được các mục tiêu trong cuộc sống thông qua những lời tư vấn tài chính toàn diện tương ứng với hoàn cảnh tài chính của họ. Thông thường hoạch định tài chính bao gồm 5 bước chính:
Đánh giá: Tình hình tài chính của mỗi cái nhân được đánh giá dựa trên một báo cáo tài chính giản lược, cũng bao gồm bảng cân đối kế toán và báo cáo thu nhập. Bảng cân đối kế toán liệt kê các tài sản và các khoản nợ của cá nhân. Trong khi báo cáo thu nhập liệt kê các khoản thu nhập và chi phí của khách hàng.
Thiết lập mục tiêu: Thông thường mỗi cá nhân thường có nhiều mục tiêu cùng lúc, cả ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ mục tiêu dài hạn có thể như việc đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu trong khi mục tiêu ngắn hạn đơn thuần chỉ là việc mua một chiếc xe máy trong năm tới. Thiết lập mục tiêu giúp cá nhân đáp ứng được các yêu cầu về tài
chính trong cuộc sống.
Lập kế hoạch: Việc lập kế hoạch tài chính chi tiết giúp các cá nhân có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra. Kế hoạch có thể bao gồm việc cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, tăng nguồn thu nhập hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Thực hiện: Bước thực hiện thường yêu cầu những quy tắc và kỷ luật nhất định. Thông thường, bước này đòi hỏi nhiều nhân sự có chuyên môn hỗ trợ, có được thuê ngoài như kế toán, chuyên gia lập kế hoạch tài chính, chuyên gia tư vấn đầu tư và luật sư.
Giám sát và đánh giá lại: Trong quá trình thực hiện, kế hoạch tài chính ban đầu cần được giám sát, đánh giá lại và điều chỉnh cho phù hợp.
Trên thế giới ngành hoạch định tài chính cá nhân được cho là được phát triển đầu tiên vào năm 1969, khi Loren Dunton, người sáng lập và đồng thời là chủ tịch Trung tâm Quốc gia về đào tạo tài chính của Mỹ (NCFE - National Center for Financial Education) thành lập Cộng đồng đạo đức tư vấn tài chính. Cho đến thời điểm này, lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB) và các Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên. Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ.
Theo một cuộc khảo sát nhỏ trên địa bàn Hà Nội về sự quan tâm của các cá nhân tới các lĩnh vực chính của tài chính cá nhân như quản lý chi tiêu, lập kế hoạch tài chính, kế hoạch bảo hiểm, đầu tư, hưu trí và di sản, kết quả cho thấy sự quan tâm tới tài chính cá nhân của người Việt Nam là chưa nhiều, trên 80% số người được khảo sát không biết tài chính cá nhân là gì và họ cũng không quan tâm nhiều tới các kế hoạch trong tương lai. Một bộ phận nhỏ hiểu biết về tầm quan trọng của tài chính cá nhân là những người đã từng học, sống và làm việc tại các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc hoặc những người làm trong ngành tài chính tại các tổ chức tài chính nước ngoài.
Những người quan tâm tới tài chính cá nhân đều thừa nhận rằng họ mới chỉ quan tâm tới việc quản lý tài chính cá nhân trong một vài năm gần đây. Trên 90% số người được khảo sát không nắm rõ được các khoản chi tiêu của mình trong tháng vừa qua và họ cũng không có các khoản tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro trong các tình huống khẩn cấp.
Như vậy chúng ta có thể thấy, về cơ bản người dân Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều tới việc quản lý tài chính cá nhân, họ có những khoản tiết kiệm, cũng như các khoản đầu tư khác, tuy nhiên cũng chưa có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm cụ thể và chưa xác định được mức độ rủi ro phù hợp của mình trong đầu tư.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam có quy mô dân số lớn, đạt 98,51 triệu người năm 2021, với dân số trẻ khá cao (50,5 triệu người trong lực lượng từ 15 tuổi trở lên). Tuy nhiên, khoảng một nửa dân số hiện chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính thông qua ngân hàng. Việt Nam còn là quốc gia đang phát triển với nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng trưởng mỗi năm. Với mật độ dân số trẻ cao và thu nhập ngày càng tăng, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng nói chung và nhu cầu về các dịch vụ tài chính cá nhân để cải thiện cuộc sống của người dân từ đó cũng không ngừng tăng lên.
Với những tiềm năng này, phát triển dịch vụ tài chính cá nhân đang trở thành một trong những định hướng chiến lược của các ngân hàng thương mại (NHTM). Sự phát triển mạnh của thị trường cho vay tiêu dùng được đánh giá là một tín hiệu tốt trên thị trường tài chính, nhất là tài chính vi mô và tài chính cá nhân. Để phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, các NHTM thường đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa loại hình sản phẩm tín dụng cá nhân. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/năm. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở Việt Nam đạt khoảng 11%, thấp hơn nhiều so với mức 40-50% ở các nước phát triển.
Bên cạnh NHTM, theo thống kê của NHNN, Việt Nam có khoảng 183 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và 53.516 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 61 chi nhánh, 53 phòng giao dịch tại 23 tỉnh, thành phố. Phát triển dịch vụ tài chính cá nhân là một xu thế và là yêu cầu tất yếu đối với hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam nói chung và các NHTM hiện nay nhằm phát triển thương hiệu, gia tăng thị phần và đa dạng hoá các loại hình sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, góp phần vào tăng sức cạnh tranh, tăng doanh thu, mở rộng thị trường, tiềm năng phát triển.
Đặc biệt, xu hướng cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính cá nhân không chỉ của NHTM và công ty tài chính mà còn có sự tham gia của các công ty fintech với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm công ty fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng và các thủ tục được thực hiện trực tuyến. Mô hình P2P (kết nối trực tiếp người đi vay và người cho vay trên internet) của các công ty fintech với các gói vay đa dạng và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Với hình thức vay vốn trực tuyến, các công ty sẽ không phải chịu nhiều các khoản chi phí về mặt bằng, điện nước, lương nhân viên... để duy trì hoạt động nên mức lãi suất của các dịch vụ cho vay trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn.
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng, việc phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân ở Việt Nam vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, cụ thể:
Các văn bản pháp quy liên quan tới các dịch vụ quản lý tài chính cá nhân chưa đầy đủ. Việc phát triển dịch vụ tài chính cá nhân sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan giữa các bên và cần có các quy định cụ thể để điều chỉnh nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, đặc biệt là lợi ích của khách hàng.
Dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhiệm vụ của dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân, 100% dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân là tư vấn riêng lẻ theo sản phẩm; 0% dịch vụ tư vấn tài chính cho hưu trí. Như vậy, việc cung cấp dịch vụ tập trung vào bán sản phẩm hơn là tư vấn một kế hoạch tổng thể về quản lý tài chính cá nhân từ tiêu dùng tới tiết kiệm, đầu tư tương ứng với các mức độ rủi ro mà khách hàng chấp nhận hay các kế hoạch dài hạn hơn như hưu trí và di sản. Với bản chất dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam như trên thì lợi ích của khách hàng nhận được là không nhiều, đồng thời trong một số trường hợp họ sẽ bị các nhà tư vấn chèo lái, dẫn dụ để mua các sản phẩm của đơn vị họ mà thông qua đó các nhà tư vấn sẽ được hưởng hoa hồng.
Các đối tượng được đào tạo bài bản về tài chính cá nhân còn khá khiêm tốn. Một bộ phận lớn dân cư tại các tỉnh thành nhỏ và các khu vực hẻo lánh khó có thể tiếp cận được các khóa học về tài chính cơ bản để có những hiểu biết cần thiết về tài chính cá nhân và các dịch vụ tài chính cá nhân. Các cá nhân, hộ gia đình ở Việt Nam chưa quan tâm tới quản trị tài chính cá nhân và các chương trình đào tạo về kiến thức tài chính. Trong khi đó, các tổ chức tín dụng cũng chưa chủ động trong việc nâng cao nhận thức cho người dân nói chung và khách hàng nói riêng về tầm quan trọng của dịch vụ tài chính cá nhân.
Vấn đề an ninh tài chính cá nhân chưa được quan tâm, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của công nghệ tài chính trên phạm vi toàn cầu. Những rủi ro trong quản lý tài chính cá nhân, các hành vi lừa đảo, những vấn đề liên quan đến xâm phạm bí mật thông tin riêng tư… có nguy cơ đe dọa tài chính cá nhân ngày càng tinh vi và phức tạp.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trên thị trường tài chính với những nhu cầu sử dụng dịch vụ tà chính cá nhân ngày càng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các sản phẩm tài chính cá nhân, các cơ quan quản lý liên quan cần chú trọng một số vấn đề sau:
Sớm ban hành các văn bản pháp luật về dịch vụ tư vấn tài chính để tạo môi trường pháp lý thống nhất, hoàn thiện, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia một cách hợp pháp. Theo đó, NHNN, các cơ quan hữu quan cần ban hành, bổ sung và sửa đổi kịp thời các quy định, cơ chế chính sách có liên quan một cách kịp thời, trong đó có chú ý đến các yếu tố mới với sự xuất hiện của các công ty fintech...
Để thúc đẩy lĩnh vực hoạch định tài chính thì tư vấn tài chính cá nhân phải coi là một nghề. Khi coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề thì đây sẽ là một nghề hoàn toàn mới. Nghề này không giống như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm như bây giờ. Cả ba nghề môi giới trên là đứng ở phía người bán, họ môi giới để phục vụ mục tiêu bản thân là bán được hàng. Nghề tư vấn tài chính cá nhân thì ngược lại, tức là đứng về phía người mua. Chính vì khi coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề thì cũng phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn hay chuẩn mực của ngành hoạch định tài chính cá nhân. Việc tiêu chuẩn hóa các chứng chỉ này sẽ giúp thực hiện một bước đi dài trong việc cung cấp cấu trúc và sự rõ ràng đối với công chúng về ngành nghề hoạch định tài chính.
Xây dựng chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính, nâng tầm hiểu biết về tài chính cá nhân cũng như lợi ích khi sử dụng các dịch vụ tài chính cá nhân. Cần giúp đại bộ phận người dân hiểu việc quản lý tài chính cá nhân không chỉ quan trọng đối với những người giàu mà kể cả với những người có thu nhập rất bình thường đều phải có kiến thức về quản lý tài chính cá nhân. Giải pháp cụ thể có thể là tổ chức các hội thảo, các chương trình tuyên truyền hay tạo lập các diễn đàn về tài chính cá nhân, đưa lĩnh vực tài chính cá nhân này thành môn học không chỉ ở trong trường đại học mà cả ở cấp phổ thông để các bạn trẻ có thể nhận thức được tầm quan trọng của quản lý chi tiêu nói riêng và tài chính cá nhân nói chung.
Hoàn thiện dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân trên thị trường hiện có. Cụ thể các tổ chức tài chính hay các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cần mở rộng nghiệp vụ của mình để tư vấn cho các khách hàng một giải pháp tổng thể về tài chính cá nhân, giúp họ nhận biết được khả năng tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của mình từ đó đưa ra các lựa chọn phù hợp nhất.