"Hiến kế" cho hệ thống bán lẻ phát triển mạnh
Kinh Doanh

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây.

Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsel, tại khu vực châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao thời gian gần đây. Việt Nam xếp vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu và trong khoảng từ 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.

"Hiến kế" cho hệ thống bán lẻ phát triển mạnh- Ảnh 1.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội trở thành nơi lập các cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của công ty đa quốc gia với chiến lược tránh tập trung vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường trong nước ngày càng hội nhập và có độ mở lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.

Tuy nhiên, việc phát triển thị trường bán lẻ cũng còn những tồn tại, bất cập như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế; công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng hàng hóa không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được tiêu thụ, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng; việc liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển đến người tiêu dùng còn nhiều bất cập…

Để phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam, tại Diễn đàn Chính sách và pháp luật phát triển thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề "Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững", ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, hệ thống bán lẻ đã và đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức lớn. 

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới không chỉ mở rộng thị trường mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực đổi mới, nâng cao chất lượng và dịch vụ trong lĩnh vực bán lẻ. Vì vậy, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại; trong đó, đầu tư vào công nghệ số để phát triển các mô hình bán lẻ đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung ứng.

Mặt khác, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác; trong đó, khuyến khích sự hợp tác giữa doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước nhằm chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm và xây dựng một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, bền vững.

Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường; trong đó, đặt ra yêu cầu xây dựng chuỗi cung ứng xanh, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, giảm thiểu rác thải trong các hoạt động bán lẻ; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và doanh nghiệp về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.

Cùng đó, xây dựng mạng lưới bán lẻ đồng bộ, bao trùm, nhất là cần phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại không chỉ ở đô thị mà còn mở rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận hàng hóa và dịch vụ chất lượng. 

Đặc biệt, thúc đẩy hội nhập và cạnh tranh lành mạnh; trong đó, điều kiện tiên quyết là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển ngành bán lẻ, mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Hương Thanh, Giám đốc Pháp chế, Wincommerce đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tiếp cận với quy hoạch thương mại, đồng thời có chính sách và biện pháp thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại bán lẻ, logistics tại vùng, địa phương. Chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại. 

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại Diễn đàn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp bán lẻ phát triển, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các mô hình bán lẻ hiện đại như thương mại điện tử, chuỗi cung ứng thông minh và ứng dụng công nghệ trong hoạt động bán lẻ.

An Mai (t/h)