Hàn Quốc - Pháp bất ổn chính trị, Bitcoin vượt 100.000 USD
Quốc Tế

Chính phủ Hàn Quốc và Pháp đã trải qua những ngày khó khăn trong tuần qua, khi bất ổn chính trị bủa vây và tạo nên tình trạng bất ổn chưa từng có.

Hàn Quốc hỗn loạn sau 6 giờ thiết quân luật

Câu chuyện bắt đầu diễn ra vào đêm 3/12 khi hầu hết người dân Hàn Quốc chuẩn bị đi ngủ. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ban bố lệnh thiết quân luật vào khoảng 22:30 (theo giờ địa phương), trong một bài phát biểu trên truyền hình.

Thiết quân luật đề cập đến việc trao quyền lãnh đạo tạm thời cho quân đội trong trường hợp khẩn cấp. Theo Hiến pháp Hàn Quốc, Tổng thống có quyền tuyên bố thiết quân luật.

Việc thiết quân luật đầy bất ngờ đã gây ra nhiều hỗn loạn trong đêm 3/12 và rạng sáng ngày 4/12. Các nhà lập pháp đã giận dữ xông vào tòa nhà quốc hội, chen lấn qua những người lính được triển khai để phong tỏa tòa nhà trong khi những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Yoon Suk Yeol phải từ chức.

Đám đông biểu tình yêu cầu Tổng thống từ chức.

Trong cuộc họp khẩn cấp bất thường vào đêm khuya, những người có mặt đã bỏ phiếu nhất trí ngăn chặn sắc lệnh này.

Đến 4h30 sáng 4/12, ông Yoon tuyên bố ông sẽ tuân thủ và dỡ bỏ lệnh thiết quân luật, nói rằng ông đã rút quân được triển khai trước đó trong đêm. Nhưng ông đã tăng gấp đôi cáo buộc rằng đảng đối lập đang cản trở các động thái của chính phủ ông.

Chiều 4/12, sáu đảng đối lập ở Hàn Quốc đã cùng nhau đưa ra kiến ​​nghị luận tội Tổng thống Yoon và đệ trình lên Quốc hội. Nếu được Quốc hội thông qua, ông Yoon sẽ bị luận tội và bị buộc từ chức. Tuy nhiên, kết quả kiến nghị đã không được quốc hội Hàn Quốc thông quá.

Đến ngày 7/12, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chính thức đưa ra lời xin lỗi trên truyền hình.

"Quyết định ban bố thiết quân luật được đưa ra do tâm nguyện hoàn thành mọi công việc được giao cho tổng thống, người chịu trách nhiệm cao nhất về các vấn đề quốc gia. Tuy nhiên, quá trình này đã gây lo lắng và bất tiện cho người dân. Tôi rất lấy làm tiếc và thành thật xin lỗi người dân", Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói trên truyền hình trực tiếp sáng 7/12.

Ông Yoon cúi đầu xin lỗi người dân sau màn thiết quân luật kéo dài 6 giờ.

Trong bối cảnh bất ổn chính trị này, thị trường tài chính Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi các quỹ ETF của Hàn Quốc, chứng khoán nước ngoài và đồng won giảm mạnh.

Cơ quan quản lý Hàn Quốc đã thực hiện các biện pháp khẩn cấp để duy trì sự ổn định của thị trường. Bộ trưởng Tài chính Choi Sang-mok, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lee Chang-yong và các quan chức quản lý tài chính đã đưa ra tuyên bố chung nói rằng tất cả các biện pháp có thể sẽ được thực hiện để ổn định thị trường tài chính và ngoại hối, bao gồm cả việc cung cấp “thanh khoản không giới hạn”.

Ngày 5/12, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ triển khai quỹ bình ổn thị trường trị giá 40.000 tỷ won (khoảng 28,35 tỷ USD). Ngân hàng Hàn Quốc có thể mua trái phiếu chính phủ và mở rộng hoạt động mua lại nếu cần thiết.

Chính phủ Pháp sụp đổ, Thủ tướng từ chức

Chính phủ Pháp sụp đổ vào ngày 4/12, sau khi Thủ tướng Michel Barnier bị buộc phải từ chức trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Nghị viện, làm bùng phát lại cuộc khủng hoảng chính trị mùa hè tại đất nước này khi chuẩn bị bước sang năm mới.

Ông Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào tháng 9 sau cuộc bầu cử không có hồi kết vào tháng 7. Với kết quả 331/577 phiếu chống, ông Barnier trở thành Thủ tướng Pháp đầu tiên bị lật đổ bằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962. Ông cũng sẽ là Thủ tướng Pháp có nhiệm kỳ ngắn nhất kể từ năm 1958 khi chỉ tại nhiệm vài tháng.

Điều này cũng có nghĩa là nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với một chính phủ lâm thời có thể không giải quyết được cuộc khủng hoảng ngân sách đang leo thang, gây ra một mối lo ngại cho thị trường tài chính.

Các nhà lập pháp trung thành với ông Barnier và ông Macron đã bị áp đảo về số lượng tại Quốc hội bởi một liên minh cánh tả và một liên minh cánh hữu do bà Marine Le Pen lãnh đạo.

Vài tuần và vài tháng tới có thể sẽ là thời kỳ hỗn loạn về chính trị và kinh tế đối với nước Pháp.

Cổ phiếu và trái phiếu Pháp được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến sự lây lan ở các khu vực khác của EU nơi đồng tiền euro được sử dụng do quy mô nợ công quốc gia của Pháp, khoảng 3 nghìn tỷ USD, theo Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ không hoàn toàn đóng cửa. Ông Barnier dự kiến ​​sẽ tiếp tục giữ vai trò tạm quyền cho đến khi một thủ tướng mới được bổ nhiệm.

CEO UnitedHealthcare thiệt mạng vì bị bắn

Sáng 4/12, ông Brian Thompson, Giám đốc Điều hành (CEO) công ty UnitedHealthcare đã thiệt mạng do bị một tay súng tấn công ngay bên ngoài khách sạn Hilton Midtown - nơi tổ chức ngày dành cho nhà đầu tư của UnitedHealth Group được tổ chức vào lúc 8h sáng 4/12. Sự kiện đã bị huỷ bỏ sau khi vụ nổ súng diễn ra.

Tay súng tiếp cận ông Thompson từ phía sau và bắn ít nhất một phát vào lưng và một phát vào bắp chân phải nạn nhân, bà Tisch cho biết. Các nhân viên cứu hộ đã đưa ông Thompson đến Mount Sinai West trong tình trạng nguy kịch, nhưng ông đã tử vong lúc 7h12 sáng 4/12.

Ông Brian Thompson.

Cảnh sát trưởng Đội phòng chống tội phạm của Sở cảnh sát New York (NYPD) Jessica Tisch cho biết "mọi dấu hiệu đều cho thấy đây là một cuộc tấn công có chủ đích, được lên kế hoạch trước".

Sau khi thực hiện kế hoạch thành công, thủ phạm đã bỏ trốn và hiện cảnh sát Mỹ vẫn tiếp tục lần theo dấu vết của nghi phạm. Được biết, FBI đã treo thưởng tới 50.000 USD cho việc tìm ra nghi phạm vụ án, và NYPD hứa trao thưởng 10.000 USD.

Bitcoin lần đầu đạt mốc 100.000 USD

Rạng sáng 5/12, thị trường tiền điện tử gần như "vỡ oà" khi Bitcoin lần đầu tiên được giao dịch trên mốc 100.000 USD.

Theo đó, Bitcoin đã tăng 6,1% lên 103.801 USD vào ngày 5/12. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử BTC đạt tới mức giá giao dịch này.

Động thái này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố kế hoạch đề cử ông Paul Atkins làm chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) thay cho ông Gary Gensler - người được mệnh danh là "kẻ phản diện" của cộng đồng tiền điện tử.

Cùng ngày, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell cho biết Bitcoin “giống như vàng nhưng nó là ảo, nó là kỹ thuật số”, trong bài phát biểu tại hội nghị DealBook.

Ông Powell cũng làm rõ “mọi người không sử dụng nó (BTC) như một hình thức thanh toán hoặc như một kho lưu trữ giá trị”, đồng thời cho biết BTC không phải là đối thủ cạnh tranh của đồng USD, mà thực sự là đối thủ cạnh tranh của vàng.

Kể từ chiến thắng của ông Trump vào ngày 5/11, giá BTC đã tăng khoảng 45%, nhờ làn sóng mua vào đổ vốn vào các quỹ giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng Bitcoin của Mỹ. Tổng giá trị thị trường tiền điện tử đã tăng khoảng 1.300 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

CEO Intel từ chức

Ngày 2/12, Intel bất ngờ thông báo rằng CEO Pat Gelsinger đã nghỉ hưu vào ngày 1/12. Đồng thời, cựu binh Intel 63 tuổi cũng từ chức khỏi hội đồng quản trị.

Intel cũng thông báo bổ nhiệm hai giám đốc điều hành David Zinsner và Michelle Johnston Holthaus làm đồng CEO tạm thời, trong khi ứng viên CEO chính thức vẫn đang được xác định.

Nhiều nguồn tin cho biết ông Gelsinger bị hội đồng quản trị của Intel lựa chọn giữa từ chức hoặc bị sa thải, do những quyết sách của vị CEO này chưa đủ để khiến gã khổng lồ "trở mình".

Các nhà phân tích ngành Kunjan Sobhani và Oscar Hernandez Tejada cho biết: "Sự thay đổi lãnh đạo này ở Intel làm tăng khả năng thoái vốn”.

Mặt khác, cũng có những chuyên gia cho rằng sự thay đổi này mang lại cho công ty đang gặp khó khăn một cơ hội mới để xem xét các lựa chọn thỏa thuận tiềm năng, bao gồm cả việc ngừng hoạt động kinh doanh sản xuất chip và bán cho Qualcomm.