Giá gạo Việt có thể 'hạ nhiệt' khi Ấn Độ nới xuất khẩu
Xuất Nhập Khẩu

Chiếm tới hơn 40% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, việc Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu có thể sẽ khiến các nước xuất khẩu gạo chủ lực khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá thành.

Ngày 28/9, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, kèm điều kiện áp giá sàn 490 USD một tấn. Trước đó, nước này đã giảm một nửa thuế xuất khẩu gạo basmati (loại gạo thơm hạt thon dài của Ấn Độ và nhiều nước Nam Á), về 10%. Quốc gia Nam Á này đang có nguồn cung dồi dào với dự trữ đạt 32,3 triệu tấn, tăng gần 39% so với năm trước.

Dẫn nhận định từ các thương nhân, các chuyến hàng gạo lớn hơn từ Ấn Độ sẽ tăng cường nguồn cung toàn cầu nói chung, khiến giá gạo quốc tế mềm hơn khi các nước xuất khẩu gạo chủ lực khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá thành.

Giá gạo Việt có thể 'hạ nhiệt' khi Ấn Độ nới xuất khẩu- Ảnh 1.

Thực tế nhìn vào diễn biến giá gạo thế giới có thể thấy thị trường đã có sự chuẩn bị tâm lý cho việc Ấn Độ nối lại hoạt động xuất khẩu. Cụ thể, tại Thái Lan, giá gạo liên tục giảm kể từ đầu tháng 9. Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho biết giá gạo 5% tấm đầu tháng 9 là 598 USD/tấn, sau đó giảm 28 USD xuống 570 USD/tấn vào cuối tháng.

Tại thị trường Việt Nam, Hiệp hội Lương thực (VFA) cho biết: Giá gạo 5% tấm hiện tại là 562 USD/tấn, giảm khoảng 10 USD so với đầu tháng. Theo nhiều doanh nghiệp, việc Ấn Độ "mở kho" sẽ khiến thị trường không thể khởi sắc vào những tháng cuối năm khi có thêm lựa chọn, giá cạnh tranh. 

Một điểm đáng chú ý với gạo VN là thị trường truyền thống Indonesia, tính đến tháng 8 đã nhập khẩu trên 3 triệu tấn gạo và vừa kết thúc đấu thầu tháng 9 với 450.000 tấn. Tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này đến cuối tháng 9 gần tương đương con số công bố hồi giữa năm nay là 3,6 triệu tấn. Indonesia, Philippines cùng một số nước có nhu cầu nhập khẩu gạo hiện nay cần nguồn cung giá tốt để đảm bảo an ninh lương thực, bình ổn thị trường và kiềm chế lạm phát. Vì thế, việc Ấn Độ "mở kho" có thể dẫn tới cạnh tranh giá thầu trong thời gian tới sẽ áp lực hơn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp cho rằng, việc Ấn Độ quay lại thị trường sẽ gây áp lực giảm giá lên các loại gạo 5% và 25% tấm.

Ông Đinh Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, cũng nhận định giá gạo sẽ giảm nhưng khó về dưới 500 USD một tấn, vì nguồn cung trong nước không dồi dào.

Số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 9/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 353,417 ngàn tấn gạo, trị giá 215,311 triệu USD, so với nửa đầu tháng 9/2023 tăng 14,72% về lượng và tăng 13,05% về trị giá.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2024 Việt Nam đã xuất khẩu được 6,497 triệu tấn gạo, mang về 4,06 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước tăng 6,14% về lượng và tăng 21,12% về kim ngạch. Trong 8 tháng năm 2024, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 625,9 USD/tấn, tăng 15% về giá so với bình quân của 8 tháng năm 2023.

Huyền My (t/h)