Việc chọn kênh đầu tư nào sẽ dễ dàng hơn nếu nhà đầu tư có nguồn tài chính dồi dào, tuy nhiên thực tế rất nhiều người đang có mức tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng/ tháng. Theo chuyên gia, với số tiền nhỏ cần có sẵn dự phòng và lựa chọn, phân bổ vào các kênh phù hợp
Mua vàng hay chọn gửi tiết kiệm?
Mới đây, trước việc thị trường vàng có dấu hiệu lao dốc, một độc giả có chia sẻ trên diễn đàn rằng, chọn mua vàng bởi thích đếm vàng, và lựa chọn mua vàng nhẫn. Chiến lược của bạn độc giả này là không dành rất cả tiền đầu tư vào vàng.
Đầu tiên, gửi tiết kiệm 10 triệu đồng để dự phòng khẩn cấp, thêm một khoản tiết kiệm gửi ngân hàng, sau đó dùng lãi từ khoản đó, cộng tiền thu nhập để dành hàng tháng dùng mua vàng, mỗi tháng hiện đang tiết kiệm được 5 triệu đồng. Đồng thời tuân thủ nguyên tắc đủ tiền mua hai chỉ vàng, là sẽ mua.
Cũng vì chọn vàng nhẫn, nên bạn độc giả cảm thấy không có gì đáng lo ngại khi giá vàng “nhảy múa”, lên xuống liên tục.
“Mất hoặc được cũng chỉ khoảng 200.000 đồng, nên mình gần như không để tâm. Quan trọng là tích trữ lâu dài”, vị độc giả nói thêm.
Vị độc giả chia sẻ cách đầu tư của mình khi mỗi tháng chỉ tiết kiệm được 5 triệu đồng
Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, bà Nguyễn Thu Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân, Công ty CP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cho rằng, quyết định đầu tư sẽ phụ thuộc vào mục tiêu tài chính của mỗi cá nhân. Nên khi đặt vấn đề về việc gửi tiết kiệm hay mua vàng, mỗi nhà đầu tư cần quay trở lại với mục tiêu tài chính của bản thân.
Theo bà Hương, về bản chất, mục tiêu của gửi tiết kiệm là bảo toàn vốn và cung cấp một khoản lãi suất ổn định, với tính thanh khoản cao. Vì vậy, gửi tiết kiệm sẽ phù hợp với các hạng mục như khoản dự phòng khẩn cấp, hay tiết kiệm cho một mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn (thường là dưới một năm), ví dụ: đóng học phí, mua xe, sửa nhà,... hoặc tiết kiệm dòng tiền chờ đầu tư để tối ưu vốn, ví dụ: dòng tiền chờ đầu tư vàng, chờ đầu tư chứng khoán,... và/hoặc các mục đích chứng minh tài chính bắt buộc khác.
Cũng vì tính chất bảo toàn vốn, lãi suất của gửi tiết kiệm thường không cao, và trong một số trường hợp có thể thấp hơn mức lạm phát, khiến giá trị thực của số tiền gửi bị giảm dần theo thời gian.
Vì vậy, gửi tiết kiệm sẽ không phải là kênh đầu tư hiệu quả nếu mục tiêu của chúng ta là gia tăng tài sản trong dài hạn.
Biểu đồ diễn biến lịch sử giá vàng. Nguồn FIDT tổng hợp
Trở lại vấn đề vàng, đây cũng được xét vào danh mục đầu tư an toàn và bảo toàn giá trị hơn là tăng trưởng tài sản. Vàng là một kênh đầu tư đặc biệt phổ biến đối với những người tìm kiếm sự an toàn và bảo toàn vốn trong bối cảnh kinh tế không ổn định. Với vai trò là một loại tài sản trú ẩn an toàn, vàng thường được coi là "hàng rào" chống lại lạm phát và sự suy thoái của các thị trường tài chính khác.
Xét về góc độ đầu tư, vàng là một lớp tài sản nên có ở trong danh mục, tuy nhiên, mỗi người dân ở tầng lớp trung lưu chỉ nên nắm giữ vàng với tỷ trọng 5-10% tổng tài sản.
Đầu tư gì với thặng dư 5 triệu một tháng
Bà Nguyễn Thu Hương, Chuyên gia Tư vấn Tài chính Cá nhân
Theo bà Nguyễn Thu Hương, để có thể đưa ra lời khuyên cho bạn độc giả và những nhà đầu tư có nguồn tài chính tương tự, việc đầu tiên là cần phải nắm đầy đủ thông tin về tình hình tài chính cá nhân của mỗi người.
“Khoản dự phòng khẩn cấp 10 triệu đồng nêu trên, chưa rõ độc giả đã tích lũy là phù hợp và đẩy đủ hay chưa”, vị chuyên gia ví dụ.
Bà Hương khuyến nghị, khoản dự phòng khẩn cấp nên là 3-6 tháng chi tiêu, và sẽ được phân bổ vào các kênh tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1-6 tháng để đảm bảo tính thanh khoản và tối ưu vốn.
Sau khi trang bị khoản dự phòng khẩn cấp này, nhà đầu tư cũng nên cân nhắc trang bị một hợp đồng bảo hiểm cho bản thân. Mua bảo hiểm trước khi đầu tư là một bước quan trọng để bảo vệ tài chính cá nhân và gia đình trong trường hợp có rủi ro xảy ra, góp phần giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư trong tương lai. Đối với bảo hiểm, và mức nên mua là từ 5 - 8% thu nhập hoặc 1% tài sản (tùy mức nào lớn hơn).
“Khi này, chúng ta có thể tự tin bắt tay vào câu chuyện đầu tư”, bà Hương nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thu Hương nêu quan điểm, một danh mục tài sản tốt cần đảm bảo các tính chất sau: Tính hiệu quả về tỷ suất sinh lợi (tương thích với khẩu vị rủi ro), tính đa dạng của lớp tài sản trong danh mục, tính cân bằng về thanh khoản và tính tối ưu về rủi ro.
Nếu danh mục đầu tư hiện tại đang chỉ có vàng, điều này chưa đảm bảo tính đa dạng của lớp tài sản và tính tối ưu về rủi ro. Tại Việt Nam, ngoài tiền gửi tiết kiệm và vàng, chúng ta còn có các kênh tài sản phổ biến khác như trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán, bất động sản.
Với thặng dư 5 triệu một tháng, khẩu vị rủi ro trung bình - thấp, nhà đầu tư hoàn toàn có thể cân nhắc phân bổ thêm vào Chứng chỉ quỹ sau khi đã tích lũy tỷ trọng vàng vừa đủ.
Biểu đồ so sánh mức độ dao động của Chứng chỉ quỹ và VNIndex trong 5 năm. Nguồn Dragon Capital
Bên cạnh đó, đầu tư vào chứng chỉ quỹ là một cách tiếp cận thông minh để tham gia vào thị trường tài chính mà không cần nhiều kiến thức hoặc kinh nghiệm. Với các lợi ích như đa dạng hóa danh mục, quản lý chuyên nghiệp, và chi phí hợp lý, chứng chỉ quỹ phù hợp với cả những nhà đầu tư mới và những người muốn đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên xem xét kỹ lưỡng loại quỹ phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu tài chính cá nhân trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Bên cạnh việc đầu tư đều đặn và kỷ luật với số vốn và thặng dư hiện có, thêm một lựa chọn là có thể đầu tư vào công việc chuyên môn để gia tăng thu nhập trong tương lai.
“Với số tiền thặng dư lớn hơn trong tương lai, sẽ giúp gia tăng các cơ hội đầu tư, nhanh chóng chinh phục mục tiêu tài chính dài hạn của cá nhân và gia đình”, vị chuyên gia FIDT nói thêm.