Đòn giáng mới vào kinh tế Đức: 'Gã khổng lồ' Thyssenkrupp cắt giảm 11.000 việc làm
Quốc Tế

Nhà sản xuất thép lớn nhất của Đức Thyssenkrupp Steel đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 việc làm vào cuối thập kỷ này (tương đương khoảng 40% lực lượng lao động), trở thành “gã khổng lồ” công nghiệp mới nhất của Đức lựa chọn hành động quyết liệt để vực dậy vận mệnh của mình.

Đợt cải tổ lớn

Trong thông báo đưa ra ngày 25/11, công ty cho biết họ đang nhắm đến mục tiêu cắt giảm khoảng 5.000 việc làm vào năm 2030, thông qua việc giảm sản xuất và tinh giản bộ máy hành chính. 6.000 việc làm khác sẽ bị cắt giảm thông qua việc tách ra hoặc thoái vốn.

Một công nhân thép được chụp ảnh tại nhà máy thép Thyssenkrupp ở Duisburg, Đức, vào tháng 11/2023. (Ảnh: Wolfgang Rattay/Reuters)

“Tình trạng dư thừa trên toàn cầu và sự gia tăng nhập khẩu hàng giá rẻ, đặc biệt là từ châu Á, đang gây sức ép đáng kể lên khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, cần có các biện pháp khẩn cấp để cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động của Thyssenkrupp Steel, và đạt được mức chi phí cạnh tranh”, Thyssenkrupp Steel cho biết trong một tuyên bố.

Thyssenkrupp Steel cho biết họ muốn thích ứng với "kỳ vọng của thị trường trong tương lai" bằng cách giảm công suất sản xuất từ ​​11,5 triệu tấn một năm xuống còn từ 8,7 đến 9 triệu tấn.

Tin tức này là đòn giáng mới nhất vào nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nơi các nhà sản xuất lâu đời đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc, những bất lợi truyền thống như chi phí lao động cao và thuế cao, cùng chi phí năng lượng tăng cao do chiến sự tại Ukraine vào năm 2022.

Nền kinh tế Đức đã suy giảm lần đầu tiên vào năm ngoái kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Và theo dự báo từ Ủy ban châu Âu vào đầu tháng này, nền kinh tế Đức sẽ tiếp tục suy giảm trong năm nay.

Các "ngôi sao công nghiệp của Đức" đã mờ nhạt trong những tháng gần đây khi sản xuất chậm lại, nhu cầu nước ngoài giảm và chi phí tăng.

Thyssenkrupp, nhà sản xuất thép lớn nhất nước Đức, đã cùng với nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước này là Volkswagen tiến hành cải tổ toàn diện nhằm cắt giảm chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Thyssenkrupp Steel là “gã khổng lồ” công nghiệp mới nhất của Đức lựa chọn hành động quyết liệt để vực dậy vận mệnh của mình.

Volkswagen cho biết đầu tháng này rằng họ sẽ giảm 10% lương nhân viên để bảo vệ việc làm và bảo vệ tương lai của công ty. Nhà sản xuất ô tô Đức này cũng có kế hoạch đóng cửa ít nhất ba nhà máy tại quốc gia của mình và sa thải hàng chục nghìn nhân viên.

Mặc dù không phải là một công ty Đức, hãng sản xuất ô tô Ford tuần trước đã tuyên bố sẽ cắt giảm gần 4.000 việc làm tại châu Âu trong vòng 3 năm tới, chủ yếu là ở Đức và Vương quốc Anh.

Công ty Mỹ đã thúc giục chính phủ Đức cải thiện điều kiện thị trường cho các nhà sản xuất ô tô, bao gồm cả việc giảm chi phí cho các nhà sản xuất và tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện.

Đòn giáng mới nhất vào kinh tế Đức

Những rắc rối tại Thyssenkrupp và Volkswagen phản ánh tình hình ngày càng tồi tệ trong khu vực tư nhân nói chung ở Đức.

Theo một nghiên cứu gần đây do Liên đoàn Công nghiệp Đức, một tổ chức chung cho các nhóm vận động hành lang kinh doanh, ủy quyền, 1/5 sản lượng công nghiệp của Đức có thể biến mất từ ​​nay đến năm 2030, chủ yếu là do chi phí năng lượng cao và thị trường hàng hóa Đức thu hẹp.

Toàn cảnh nhà máy thép của ThyssenKrupp tại Duisburg, Đức, ngày 24/11/2023. (Ảnh: REUTERS/Jana Rodenbusch)

Báo cáo do Boston Consulting Group và Viện Kinh tế Đức đồng biên soạn lưu ý rằng: "Vị thế dẫn đầu mà đất nước đã xây dựng trong nhiều thập kỷ qua trong các lĩnh vực như công nghệ đốt cháy đang mất dần tầm quan trọng và mô hình xuất khẩu của Đức ngày càng chịu nhiều áp lực do căng thẳng địa chính trị gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu và một số điểm yếu đặc trưng".

Những điểm yếu này bao gồm chi phí năng lượng cao, thủ tục hành chính rườm rà và cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số lỗi thời.

Nghiên cứu kết luận rằng nền kinh tế Đức cần "nỗ lực chuyển đổi lớn nhất kể từ thời hậu chiến", đòi hỏi phải đầu tư thêm vào mọi thứ, từ cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, đến giáo dục và công nghệ xanh với số tiền khoảng 1,4 nghìn tỷ euro (1,5 nghìn tỷ USD) vào năm 2030.

Theo CNN