Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Doanh Nhân

Nhìn lại gần 40 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo khoa học “Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Hội thảo là một hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần làm sáng tỏ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Qua đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Khai mạc Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 với công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo được coi là dấu mốc đầu tiên “hồi sinh” đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới. Năm 1990 với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam chính thức tham gia vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Đồng hành cùng những thăng trầm phát triển của đất nước, sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân không chỉ là thành quả quan trọng của công cuộc đổi mới mà thực sự đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.

Đội ngũ doanh nhân với xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo.

Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn mạnh và từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với nhiều sản phẩm dần khẳng định giá trị thương hiệu. Đội ngũ doanh nhân, cùng các doanh nghiệp tiên phong đóng vai trò trụ cột, dẫn dắt, tạo đòn bẩy và kiến tạo những thay đổi, phát triển trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam trong hiện tại và tương lai, qua đó đưa nền kinh tế Việt Nam tự chủ, hướng tới phát triển bền vững. Vì vậy, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã khẳng định “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

“Nhìn lại gần 40 năm đổi mới của đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và trở thành lực lượng nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện”, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi nói.

Với gần 50 tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo của các nhà khoa học, các đại biểu đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận căn bản, cốt lõi liên quan trực tiếp đến sự phát triển của đội ngũ doanh nhân; “phác thảo” một cách sinh động bức tranh thực trạng đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay, khẳng định những thành quả đáng trân trọng mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đóng góp cho đất nước, đồng thời cũng thẳng thắn chỉ những hạn chế, yếu kém trong đội ngũ này; những nguy cơ tiềm ẩn có thể “bộc phát” nếu đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam không sớm nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với đất nước.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Minh Trưởng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, Chính phủ không chủ trương xóa bỏ, tước đoạt toàn bộ kinh tế tư nhân mà vẫn sử dụng nó như một bộ phận hợp thành của toàn bộ nền kinh tế. Do đó, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ doanh nhân, chắc chắn chúng ta sẽ thành công trên con đường tiến tới mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã đề ra, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp phát triển.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cả nước hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã. Trong đó, khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc và 124 doanh nghiệp (với 283 sản phẩm) được công nhận đạt thương hiệu quốc gia, nhiều thương hiệu gây được tiếng vang trong thị trường khu vực, quốc tế.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp cũng là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân. Việt Nam có khoảng 7 - 10 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013, đội ngũ doanh nhân Việt Nam “sở hữu” trình độ học vấn khá cao, với 79,9% doanh nhân có trình độ đại học, 12% doanh nhân có trình độ Thạc sỹ/Tiến sỹ và chỉ khoảng 8% doanh nhân có trình độ dưới đại học. Độ tuổi trung bình của doanh nhân từ 30 - 50 tuổi, số doanh nhân trẻ tuổi (dưới 30 tuổi) đang phát triển nhanh. Trong số 7 - 10 triệu doanh nhân và gần 1 triệu doanh nghiệp, Việt Nam đã có 7 doanh nhân lọt vào tốp “tỷ phú USD toàn cầu” theo bình chọn của của tạp chí Forbes năm 2022./.

Thái Quảng (TH)