Tiềm năng tăng trưởng lớn, thế nhưng ngành F&B cũng là ngành tạo ra phát thải không nhỏ. Do đó, không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để "xanh hoá", phát triển bền vững.
Theo khảo sát từ tháng 7 - 8/2024 trong báo cáo mới nhất của Vietnam Report về ngành Thực phẩm - Đồ uống (F&B) năm 2024, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.
Còn Theo nghiên cứu của Euromonitor International, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam được xếp vào một trong các thị trường hấp dẫn nhất trên toàn cầu, và đứng thứ 10 Châu Á. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống của người Việt chiếm tỷ trọng thu nhập cao (khoảng 35%).
Báo cáo gần đây cho thấy, ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021- 2026 và Chính phủ lựa chọn đây là một trong những nhóm ngành công nghiệp chủ lực cần được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2025 - 2035.
Tiềm năng tăng trưởng lớn, thế nhưng ngành F&B cũng là ngành tạo ra phát thải không nhỏ.
Theo số liệu được chia sẻ từ hội thảo “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất F&B”, phát thải từ ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Nhận thức rõ những điều này, không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để "xanh hoá", phát triển bền vững.
Theo kết quả khảo sát Doanh nghiệp F&B của Vietnam Report, 66,7% số doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát cho rằng, việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình.
Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 92,6% doanh nghiệp F&B khẳng định phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm chiến lược kinh doanh năm 2024.
Hiện tại, 83,3% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Một tín hiệu tích cực là không chỉ về mặt nhận thức, thực tiễn cũng đang có những chuyển biến khả quan hơn khi tỷ lệ thực sự bắt tay hành động để triển khai một phần hoặc toàn diện cam kết ESG chiếm phần lớn trong số này (55,0%).
An Mai (t/h)