Chuyên gia chỉ cách nói ‘không’ khi bạn bè và người thân vay tiền
Nhịp Sống Trẻ

Thông thường, việc vay tiền là một trong những vấn đề rất nhạy cảm trong các mối quan hệ. Đặc biệt, với bạn bè và người thân, nói “không” trước các đề nghị vay tiền có thể gây căng thẳng cho cả hai phía nếu không xử lý khéo léo.

Khảo sát về những điều cấm kỵ trong tài chính năm 2024 của Công ty dịch vụ Tài chính tiêu dùng Mỹ Bankrate cho thấy gần 1/4 số người cho vay tiền hoặc chi trả chi phí cho nhóm bạn mỗi khi đi ăn, đi chơi đều mong muốn được trả lại khoản tiền ngay sau đó.

Tuy nhiên bản thân họ đều cảm thấy nếu lên tiếng đòi lại thì sẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa hai bên.

Theo khảo sát, nguyên tắc chung mà những người cho vay thường áp dụng để cảm thấy nhẹ đầu là “bỏ khoản vay ra phía sau lưng”, đồng nghĩa không quan tâm và mong đợi quá nhiều về thời hạn được trả lại tiền.

Thế nhưng, các chuyên gia cho hay cũng có một cách khác để giải quyết tình huống khó xử này mà không khiến bản thân rơi vào cảnh “cháy túi”, đó là: đặt ra ranh giới và truyền đạt thông tin rõ ràng.

Bà Aja Evans, một chuyên gia về các giải pháp tài chính, đưa ra lời khuyên rằng: “Hãy quyết định xem bạn có đủ khả năng để đưa tiền cho họ hay không và nếu không, bạn hoàn toàn có quyền từ chối giúp đỡ. Bạn không thể tự đánh chìm con tàu của mình để cứu người khác”.

Bà Evans cũng nhắc nhở thêm rằng điều này không đồng nghĩa với việc bạn phải tiết lộ các khoản chi của mình để chứng minh bản thân không đủ điều kiện cho vay. Nguyên nhân là bởi nếu là bạn bè hoặc người thân xung quanh, họ hoàn toàn biết được những khoản bạn cần phải chi trong giai đoạn đó, chẳng hạn như đi du lịch hay mua sắm…

“Thế nhưng, không ai hiểu túi tiền của bạn hơn chính bạn. Chỉ vì bạn có tiền trong tài khoản không có nghĩa là bạn có thể cho đi, đặc biệt là nếu các hóa đơn khác sắp đến”, bà Evan nhấn mạnh thêm.

Bên cạnh đó, bà Evans cũng chỉ ra những ví dụ cụ thể về ranh giới mọi người có thể tự đặt ra cho mình để vừa từ chối được yêu cầu cho vay mà vừa vượt qua cảm giác tội lỗi.

Ảnh minh hoạ

“Hãy cho đi những thứ bạn có thể”

Thẳng thắn nói “không” khi bạn bè hoặc thành viên trong gia đình yêu cầu tiền là rất khó, đặc biệt là nếu bạn đã từng cho họ vay tiền trong quá khứ.

“Một cách để làm điều đó dễ dàng hơn là cho vay số tiền bạn có thể chi trả, ngay cả khi số tiền đó ít hơn số tiền họ yêu cầu”, chuyên gia nói. Giả sử một người bạn yêu cầu vay 100 USD, nhưng bạn cảm thấy việc cho họ toàn bộ số tiền sẽ ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách của bạn, vậy hãy thử đưa ra con số khả thi hơn, chẳng hạn như 20 - 30 USD.

Theo bà Evans, mặc dù bạn không nhất thiết phải giải thích lý do tại sao bạn không thể trả cho họ toàn bộ số tiền họ yêu cầu, nhưng việc trung thực trao đổi về các nghĩa vụ tài chính khác mà bạn đang phải đối mặt có thể hữu ích.

“Đó là một ranh giới lành mạnh vì mặc dù bạn có thể không thể đáp ứng tất cả những gì họ muốn, nhưng bạn đang đáp ứng những gì bạn có thể mà không làm chìm con thuyền của chính mình”, bà cho biết.

“Cảm thấy tội lỗi là điều bình thường”

Bà Evans cho rằng cảm giác tội lỗi thường xuất hiện sau khi từ chối cho bạn bè hoặc thành viên gia đình vay tiền, ngay cả khi bạn đã đặt ra ranh giới như đã đề cập bên trên. Để giải quyết cảm giác tội lỗi, bạn có thể viết ra những khoản chi của mình và lý do bạn đặt ra chúng.

“Hãy nhắc nhở bản thân về những gì bạn đang cố gắng đạt được và lý do tại sao”, bà Evan chia sẻ việc có những mục tiêu rõ ràng khi sử dụng tiền sẽ là phương án giúp bản thân người cho vay thấy được những khoản chi mình cần, từ đó giảm bớt cảm giác tội lỗi khi không thể cho vay.

Mặc dù việc thiết lập và duy trì ranh giới tài chính có thể khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, điều này có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính của bản thân.

“Tuy khó khăn, nhưng rất quan trọng. Bạn có thể cảm thấy tệ lúc từ chối cho vay, nhưng bạn sẽ nhanh chóng ổn định trở lại, nhất là khi có thể trả tiền cho những thứ bạn cần”, bà Evans nói.

Theo CNBC