Chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đề xuất 2 gói tín dụng với tổng số tiền 65.000 tỷ đồng vào chương trình phục hồi sau dịch Covid-19.
Cụ thể, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng theo phương thức cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại để thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo các quy định của pháp luật nhà ở hiện hành, pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.
Cùng đó, bổ sung vốn cấp bù lãi suất phân bổ cho các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để cho các đối tượng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với tổng số tiền 1.000 tỷ đồng.
Gói tín dụng thứ hai theo cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Theo đó, đề xuất Ngân hàng Nhà nước dành gói khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 25% so với nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 là 220.000 tỷ đồng) thông qua tái cấp vốn với lãi suất và thời hạn phù hợp, để các ngân hàng thương mại cho các đối tượng sau vay ưu đãi: Chủ đầu tư đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; Công nhân khu công nghiệp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội; Các Ngân hàng thương mại sẽ thực hiện cho vay đối với khách hàng là các đối tượng thuộc Chương trình theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các quy định do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn.
Các Ngân hàng thương mại có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng và chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, với lãi suất ưu đãi bằng khoảng 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường nhưng không vượt quá 6%/năm trong 5 đến 15 năm.
Theo ông Hưng, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong cuối năm 2020 đầu năm 2021, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng, bất động sản như: Nghị định 06 về quản lý chất lượng, Nghị định 09 quản lý vật liệu xây dựng...
Phương Nga