Bà Năm 'trà': Bước ngoặt tuổi 60, quyết định khởi nghiệp khi nằm viện
Doanh Nhân

“Cuộc đời tôi, từ khi sinh ra, đến lúc trưởng thành, lấy chồng nuôi con và lập nghiệp đã trải qua đủ mùi cay đắng với đủ tên gọi gắn liền những quãng đời gian truân, khổ ải của mình”, bà Năm “trà” bộc bạch.

Bà kể: “Lúc sinh ra, cha mẹ đặt tôi tên Võ Thị Lan. Sau giải phóng, cán bộ hộ tịch xã lại sơ sót khiến giấy tờ tôi mang tên Võ Thị Lấn. Cha tôi bảo đó là ý trời, mình chỉ có lấn tới mà thôi nên tôi cũng không buồn đính chính. Cái nghề gắn luôn cái tên. Có lúc người ta gọi tôi là cô Năm ‘chuột’, là bà Năm ‘heo nọc’, rồi sau này là bà Năm ‘trà’... Tôi không buồn vì điều này, bởi mỗi cái tên như đi liền với một thử thách định sẵn của ông trời. Những thử thách này, giống như tám mươi mốt kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải trải qua cho đủ mới thỉnh được kinh ở Tây Phương vậy”.

Khởi nghiệp ở tuổi 60

Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan là một gương mặt tiêu biểu của ngành sản xuất và phân phối trà tại miền Nam. Sản phẩm trà thảo dược của bà có mặt ở nhiều đại lý trên khắp cả nước và đã xuất khẩu qua các thị trường như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ….

Năm 2008, ở độ tuổi 60, bà Lấn với bệnh tật triền miên, thường xuyên phải nằm viện đã bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Tuy nhiên, chính thời điểm này lại là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời bà, khi bà quyết định thành lập thương hiệu Trà Tâm Lan, một sản phẩm trà thảo dược có nguồn gốc từ thiên nhiên.

“Lúc đó, tôi tự hỏi: Tại sao mình bệnh như vậy mà không lấy cây thuốc mà ba sử dụng ngày xưa, nấu uống để đỡ đi bệnh viện”. Cha bà Lấn vốn là thầy thuốc nam, tại xã Phước Lưu - một xã nghèo thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Khi còn nhỏ, bà Lấn vẫn thường theo cha đào rễ cây, bốc thuốc.

Và khi sức khỏe yếu, những ký ức về cha hiện về. Bà đi tìm các loại thảo dược để uống. Sau đó, sức khỏe bà được cải thiện. Bà mang các sản phẩm đi biếu và được ủng hộ. Điều này có thể đã ảnh hưởng sâu sắc đến hướng đi của bà trong việc khởi nghiệp với sản phẩm thảo dược. Với nền tảng kiến thức từ gia đình, bà đã áp dụng và phát triển các bài thuốc nam. Lúc này, bà Lấn quyết định thương mại hóa sản phẩm.

“Đầu tiên, tôi đưa ra sản phẩm trà Tâm Lan thì 10 con, 6 gái, 4 trai đều phản đối. Các con tôi nói rằng: Mẹ lớn tuổi rồi, nếu sản phẩm ra thị trường mà người tiêu dùng không chấp nhận thì thôi, mà nếu người tiêu dùng chấp nhận thì sẽ bị cạnh tranh ác liệt”, bà kể. Nhưng bỏ ngoài tai lời can ngăn của con cháu, bà Lấn vẫn quyết tâm mày mò nghiên cứu sản phẩm.

                           

Bà Võ Thị Lấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan.

Kiên định không bao giờ muộn

Tuy nhiên, quá trình đưa Trà Tâm Lan ra thị trường không hề dễ dàng. Bà Lấn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và khả năng tiếp cận thị trường trong giai đoạn đầu.

“Tôi nhớ có một lần ghé vô tiệm thuốc bắc ở Vĩnh Long. Tôi chưa kịp nói câu nào mà bà chủ đã từ chối tiếp chuyện tôi. Khi tôi bước ra khỏi tiệm, ngoái nhìn lại mà nước mắt tôi rơi cùng nỗi tủi nhục trong lòng hiện lên rất rõ”, bà kể lại. Sau những lần bị từ chối, bà Lấn hiểu rằng với một sản phẩm thảo dược như Trà Tâm Lan, việc quảng bá qua các lời hứa suông sẽ không có giá trị lâu dài. Thay vào đó, bà tập trung vào việc chứng minh chất lượng và công dụng thực tế của trà bằng cách để khách hàng tự trải nghiệm và cảm nhận những lợi ích mà sản phẩm mang lại.

“Là một người xuất thân từ môi trường không liên quan đến thương mại, tôi phải tự học hỏi về các khía cạnh khác nhau của kinh doanh, từ quản lý sản xuất đến phân phối và tiếp thị. Ngành công nghiệp thảo dược có nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là khi các thương hiệu thảo dược khác đã có chỗ đứng trên thị trường. Vấn đề của Trà Tâm Lan khi đó là phải xây dựng niềm tin với người tiêu dùng”, bà Lấn cho hay.

Cũng theo lời kể của bà Lấn, trong quá trình phát triển thương hiệu, trà Tâm Lan cũng không ít lần chịu sự tấn công không lành mạnh từ các đối thủ. Theo đó, sản phẩm trà Tâm Lan từng gặp tin đồn: “có chứa chất gây nghiện”; “sử dụng bùa ngải trong kinh doanh”, “mạo danh hình ảnh của công ty khác”,…

“Gặp khủng hoảng lớn, chúng tôi không biết làm như thế nào, may có những nhà báo tốt đã khuyên nên tổ chức một buổi họp báo tử tế để làm sáng tỏ mọi vấn đề. Nhờ vậy, Trà Tâm Lan mới sống được cho đến hôm nay”, đại diện Trà Tâm Lan kể lại và cũng khẳng định, chính nhờ có sự cạnh tranh khốc liệt này mà thương hiệu này mới có cơ hội hoàn thiện và có thể trụ vững.

“Nếu được cạnh tranh, đó là vinh dự, tức sản phẩm của mình đã được chấp nhận. Bởi sản phẩm tốt, đối thủ cạnh tranh mới đưa vào danh sách nguy cơ đối với họ. Ngược lại, không ít doanh nghiệp muốn dìm đối thủ bằng tung tin đồn thất thiệt, bôi xấu uy tín, làm người tiêu dùng hoang mang. Tâm Lan không nằm ngoài sự cạnh tranh 2 mặt đó và chúng tôi đã đứng vững”.

Cũng từ khủng hoảng kể trên, bà Võ Thị Lấn càng ý thức rõ về việc phải làm theo các chuẩn chất lượng, xây dựng vùng trồng để tự chủ nguyên liệu là quan trọng như thế nào trong ngành thực phẩm, cụ thể là trà dược liệu. “Khi đưa ra thị trường rồi thì phải bảo vệ được sản phẩm của mình. Lúc đó, tôi tự trồng nguyên liệu. Tôi nuôi bò để lấy phân bò. Trang trại bò giờ có khoảng 500 con. Tôi nuôi trùn quế (giun quế) để cho vào phân. Nếu không để bón cho cây, tôi có thể sử dụng phân trùn quế để bán”, bà nói.

Theo bà Lấn, các nước như châu Âu rất khắt khe về chất lượng nhưng trà Tâm Lan đạt 500 chỉ tiêu. Cũng nhờ tự chủ nguyên liệu, bản thân bà khi tới Úc bán hàng đã có thể đủ tự tin bưng từng ly nước để mời khách hàng thưởng trà.

Sau gần 20 năm phát triển, tài sản của Trà Tâm Lan có thể chia làm 2 phần: vùng trồng rộng lớn và đàn bò đông đúc; tổ hợp gồm trạm dừng chân, vườn ươm, khu tập thể dành cho nhân viên và nhà máy trị giá 100 tỷ đồng tại đường tỉnh 784, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Cũng theo bà Võ Thị Lấn, hiện Trà Tâm Lan có đại lý trên khắp cả nước và đã xuất khẩu qua các thị trường như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ…. theo hình thức gián tiếp.