Youtube, Facebook, Tiktok không thể mãi trốn tránh trách nhiệm
Diễn Đàn

Sự phát triển của Internet cho phép việc chia sẻ thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng và rộng khắp... Nhưng song song với đó, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm được truyền tải trên môi trường Internet, đặc biệt là trên các ứng dụng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok,… cũng ngày càng gia tăng với nhiều cách thức tinh vi khác nhau.

Sự phát triển của Internet cho phép việc chia sẻ thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng và rộng khắp. Chính vì vậy, mà hoạt động truyền tải các tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật được mở rộng hơn bao giờ hết. Nhưng song song với đó, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm được truyền tải trên môi trường Internet, đặc biệt là trên các ứng dụng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Tiktok,… cũng ngày càng gia tăng với nhiều cách thức tinh vi khác nhau.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm, truy vết các chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm và quy trách nhiệm cho họ là vô cùng khó khăn bởi tính ẩn danh của người dùng. Đồng thời, việc hạn chế, khắc phục và tháo gỡ những nội dung xâm phạm quyền tác giả trên môi trường Internet cũng gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt là khi các đơn vị cung cấp các dịch vụ Internet và các ứng dụng mạng xã hội (ISP), thường không hợp tác với các chủ thể quyền. Những đơn vị này luôn tìm cách trốn tránh việc chịu trách nhiệm với các chủ thể quyền với nhiều biện pháp khác nhau.

Youtube, Facebook, Tiktok không thể mãi trốn tránh trách nhiệm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cách thức trốn tránh trách nhiệm của ISP

Vào năm 2014, Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn nộp đơn khởi kiện Công ty VNG – chủ sở hữu trang web Zing.vn (Zing) tại Tòa án quận Central District ở California để cáo buộc về hành vi xâm phạm quyền tác giả. Cụ thể, trang web này đã sử dụng trái phép hơn 3.000 bài hát và hơn 600 album nhạc mà Làng Văn đang nắm giữ bản quyền. Trong đơn kiện, Làng Văn đòi mức phạt tối đa 150.000 USD đối với VNG cho mỗi lần vi phạm.

Đối diện với các cáo buộc mà phía Làng Văn đưa ra, Công ty VNG đã đưa ra các lập luận rằng đối với các tác phẩm âm nhạc hiện có trong hệ thống của họ và do họ chủ đích đăng tải trên trang web thì họ có quyền sử dụng hợp pháp thông qua các hợp đồng với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), hợp đồng với các tác giả và hợp đồng độc quyền với các ca sĩ. Còn đối với những tác phẩm âm nhạc còn lại mà họ không nắm giữ bản quyền mà có trong hệ thống là do cộng đồng người sử dụng tự đưa lên và chính người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc vi phạm bản quyền.

Việc đẩy trách nhiệm cho người dùng là cách thức mà được hầu hết các ISP lựa chọn. Khi các ISP cung cấp nền tảng để mọi người dùng có quyền tự do tải lên và chia sẻ nội dung bất kỳ, tại thời điểm đăng ký tham gia nền tảng, các ISP buộc người sử dụng phải bấm nút chọn đồng ý với các điều khoản sử dụng dịch vụ, trong đó có nội dung tôn trọng bản quyền hoặc cam kết nội dung mình đăng tải không xâm phạm bản quyền. Thông qua thao tác này, các ISP phần nào "phủi đi" trách nhiệm cho mình đối với các hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra trên nền tảng mình cung cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ISP luôn thiết lập cho nền tảng của mình một "luật chơi" buộc người dùng phải đồng ý tuân thủ khi tham gia "sân chơi" này. Trong khi hiện tại các doanh nghiệp ISP lớn và có sức ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam vẫn là những tập đoàn Công nghệ lớn của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Có thể kể ngay đến những ISP phổ biến và có nhiều người dùng nhất hiện nay tại Việt Nam như Youtube của Tập đoàn Google, Facebook của Tập đoàn Meta hay Tiktok của Tập đoàn ByteDance. Do đó, "luật chơi" được đặt ra được viện dẫn, áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia mà doanh nghiệp ISP đặt trụ sở. Đặc biệt, những nền tảng này sẽ đưa ra quy định về việc lựa chọn về luật áp dụng và nơi giải quyết tranh chấp là theo Pháp luật của Mỹ hoặc của Anh hoặc của quốc gia mà nơi chủ sở hữu tác phẩm có bản quyền đặt trụ sở chính. Khi đó, các chủ thể quyền để bảo vệ quyền lợi của mình cần căn cứ luật áp dụng đó để khởi kiện và giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán ở nước ngoài. Điều này là vô cùng khó khăn và phức tạp, chưa kể là tốn kém chi phí và không khả thi cho các chủ thể quyền bị xâm phạm là cá nhân hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đã đến lúc sự trốn tránh phải dừng lại!

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet ngày càng gia tăng, thiệt hại gây ra cho các chủ thể quyền và xã hội là vô cùng lớn. Trong khi, việc tìm kiếm, truy vết cũng như tháo gỡ, xử lý các hành vi vi phạm lại vô cùng khó khăn. Thực trạng này đã đặt ra một yêu cầu bức thiết là pháp luật cần có một biện pháp khác hữu hiệu hơn để kiểm soát, quản lý cũng như xác định chủ thể chịu trách nhiệm cho các hành vi xâm phạm quyền quyền tác giả trên môi trường Internet để đảm bảo và cân bằng lợi ích giữa các chủ thể quyền và xã hội.

Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, giải pháp mà nhà làm luật lựa chọn là quy trách nhiệm cho các ISP phải bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền về những hành vi xâm phạm quyền tác giả xảy ra trên "không gian quản lý" của họ. Điển hình là tại Hoa Kỳ, mặc dù các lập luận của VNG đưa ra rất thuyết phục nhưng tòa án đã ra phán quyết là VNG bồi thường 4 tỷ đồng cho Trung tâm sản xuất, phát hành nhạc Làng Văn.

Tại Việt Nam, giải pháp quy trách nhiệm cho các ISP đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả cũng đã được quy định chi tiết tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành ngày 16/06/2022 (sau đây viết tắt là "Luật SHTT 2022"). Các quy định này đã có hiệu lực và được áp dụng trên thực tiễn kể từ ngày 01/01/2023. Theo đó, khi các ISP không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (tương ứng với ba loại dịch vụ: truyền dẫn nội dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số; lưu trữ đệm và lưu trữ nội dung số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ) được quy định tại khoản 3 Điều 198b sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và phải chịu các trách nhiệm pháp lý cho các hành vi xâm phạm này.

Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan cũng đã được các cơ quan Nhà nước cụ thể hóa bằng các quy định tại Điều 113 và Điều 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Youtube, Facebook, Tiktok không thể mãi trốn tránh trách nhiệm - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Quy định trách nhiệm cho các ISP là thỏa đáng

Để nói rằng việc quy trách nhiệm cho các ISP có thỏa đáng hay không là một không dễ trả lời, mà nó phụ thuộc vào cách nhìn nhận cũng như những quan hệ xã hội mà nhà lập pháp muốn bảo vệ.

Về mặt hành vi, các ISP chỉ là các đơn vị cung cấp kỹ thuật, các dịch vụ trung gian mang tính chất cầu nối để người dùng có thể đưa và sử dụng thông tin trên môi trường số, mà không trực tiếp và không có chủ đích thực hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ chủ thể quyền nào. Tuy nhiên, các ISP lại đóng một vai trò không nhỏ trong việc khuếch trương những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những người dùng trên "không gian quản lý" của mình.

Thật vậy, bằng nhiều cơ chế và biện pháp kỹ thuật của mình, các ISP hoàn toàn có khả năng kiểm soát và hạn chế việc tiếp diễn của những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên "không gian quản lý" của mình. Nhưng bởi vì thờ ơ, thiếu chú trọng đến việc quản lý và kiểm soát các vấn đề này mà các ISP đã gián tiếp tạo điều kiện và làm cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác được nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn.

Sẽ là không hợp lý nếu các ISP không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào trong khi, ở nhiều trường hợp, họ còn đồng thời là bên nhận được những lợi ích tài chính nhất định từ những hành vi xâm phạm quyền.

Về mặt nguyên tắc pháp luật, một khi có thiệt hại xảy ra thì người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ thể bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác. Trong trường hợp có nhiều người cùng gây ra thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại (Điều 587 BLDS 2015). Mà khi có nhiều người cùng liên đới chịu trách nhiệm thì bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ (Điều 288 BLDS 2015).

Trong khi đó, các ISP được xem là đã có những "đóng góp", tiếp tay cho các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của những người dùng trên "không gian quản lý" của mình. Chính sự sơ suất hoặc thờ ơ của các ISP trong việc vận hành, quản lý và kiểm soát các nền tảng mà mình cung cấp đã góp phần gây ra những thiệt hại lớn hơn cho các chủ thể quyền. Các ISP, vì vậy, hoàn toàn có thể bị xem là người cùng gây ra thiệt hại cho các chủ thể quyền và do đó, phải liên đới chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên "không gian quản lý" của mình.

Về khía cạnh kinh tế và hiệu quả thực thi, việc đặt ra trách nhiệm pháp lý cho các ISP đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả của chủ thể sử dụng dịch vụ mang lại nhiều ý nghĩa và hiệu quả ở nhiều góc độ. Một số lợi ích dễ thấy như: giảm chi phí thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi vì các cơ quan thực thi và các chủ thể quyền sẽ ít mất thời gian, công sức và tiền bạc cho việc truy vết và tìm kiếm thông tin chính xác của các cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Biện pháp này đồng thời cũng đảm bảo tốt hơn quyền lợi của các chủ thể quyền, bởi vì nó đưa ra giải pháp "nắm kẻ có tóc, không ai nắm kẻ trọc đầu". Và cuối cùng, biện pháp này còn góp phần giảm thiểu các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet một cách tối ưu và hiệu quả: để tránh việc phải gánh chịu những khoản bồi thường thiệt hại khổng lồ, những khoản chi phí để theo đuổi các vụ kiện và những tổn thất về uy tín và danh dự các ISP được yêu cầu phải có sự can thiệp, quản lý và kiểm soát kịp thời của đối với các hoạt động của người dùng trên không gian quản lý của mình.

Bên cạnh đó, song song với việc quy trách nhiệm cho các ISP, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đồng thời xây dựng một "cảng an toàn" nhằm giảm nhẹ, giới hạn phần nào các trách nhiệm, rủi ro cho các ISP. Cơ chế miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các ISP này tạo điều kiện để Luật Sở hữu trí tuệ đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu hợp pháp của chủ thể quyền với quyền tự do kinh doanh của những chủ thể khác [như các ISP] và lợi ích của xã hội (bao gồm lợi ích trong việc thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới và lợi ích trong việc thử nghiệm các cơ hội kinh doanh và cấu trúc thị trường mới).

Luật sư Nguyễn Thị Thu Diệu