Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu xi măng, clinker trong tháng 1/2025 đạt hơn 2 triệu tấn, thu về 76 triệu USD, giảm lần lượt 36,7% về lượng và giảm 36% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Xi măng, clinker xuất khẩu vẫn đang nối dài đà giảm suốt từ đầu năm 2022 đến nay. Hiện, một số doanh nghiệp đã không thể xuất khẩu hoặc xuất được nhưng sản lượng rất thấp do vướng phòng vệ thương mại tại các thị trường truyền thống như Philippines, Đài Loan.
Theo số liệu thống kê từ Báo cáo ngành Xi măng, năm 2024, ngành xi măng xuất khẩu gần 30 triệu tấn xi măng và clinker, thu về trên 1,15 tỷ USD, giảm hơn 4% về lượng và giảm gần 14% về kim ngạch so với năm 2023.
Riêng tháng 12/2024 xuất khẩu xi măng và clinker tăng 4% về lượng và tăng 3,9% kim ngạch so với tháng 11, đạt gần 2,27 triệu tấn, tương đương 86,04 triệu USD, giá trung bình 37,9 USD/tấn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm ngoái, xuất khẩu xi măng clinker sang thị trường lớn nhất là Philippines đạt hơn 8 triệu tấn, tương đương 319,09 triệu USD, giá trung bình 39,9 USD/tấn, giảm khoảng 0,6% về lượng, giảm khoảng 11% về kim ngạch và giảm 10,5% về giá so với năm 2023. Thị trường này chiếm 27% trong tổng lượng và chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, xuất khẩu xi măng, clinker sang các thị trường chủ lực năm qua đều rất khó. Kể cả có xuất khẩu được thì giá cũng xuống rất thấp. Thấy rõ nhất là giá xuất khẩu đi 2 thị trường chủ lực là Philippines và Bangladesh.
Giá xuất khẩu năm qua cũng xuống thấp. Theo số liệu do Vicem cung cấp, giá xuất khẩu xi măng theo điều kiện FOB sang Philippines cuối năm 2024 chỉ còn 40-40,5 USD/tấn, giảm 2-3 USD/tấn so với đầu năm và giảm 8-9 USD/tấn so với đầu năm 2023.
Giá xuất khẩu clinker sang Bangladesh cuối 2024 ở mức 28,5-29 USD/tấn, giảm 2,5 USD/tấn so với đầu năm và giảm 10-10,5 USD/tấn so với đầu năm 2023.
2 năm liền trước là 2022-2023, xuất khẩu cũng đạt quanh mức 31-32 triệu tấn, giảm hơn chục triệu tấn so với mốc 45 triệu tấn thực hiện trong năm 2021.
Trước khó khăn của ngành xi măng, trong đó xuất khẩu giảm liên tục 3 năm gần đây, tháng 1/2025, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 351/BXD-VLXD gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thông tin báo nêu về nội dung "các nhà máy xi măng thua lỗ, có nguy cơ dừng sản xuất".
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ tài chính nghiên cứu kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clinker xi măng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2025.
Năm 2025, xuất khẩu xi măng và clinker của Việt Nam được dự báo tăng trưởng chậm có thể duy trì ở mức tương đương so với năm 2024. Thị trường xuất khẩu đang dần dịch chuyển sang các thị trường mới như Mỹ, khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu tiếp tục đối mặt với các rào cản thương mại tại nhiều quốc gia. Trong khi đó, nguồn cung xi măng trong nước năm 2025 vẫn trong tình trạng dư thừa lớn.
Ước tính, nguồn cung xi măng cho năm 2025 dự báo đạt khoảng 125 triệu tấn, nhưng nhu cầu trong nước chỉ khoảng 62,5-63,5 triệu tấn; cùng đó là giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn duy trì ở mức cao, dẫn đến các nhà sản xuất nội địa cạnh tranh gay gắt về giá bán để duy trì thị phần và gia tăng sản lượng tiêu thụ.
Huyền My (t/h)