Luỹ kế 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu quế đạt 62.918 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 177 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu được 8.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu quế đạt 22,9 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 17,1%.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong tháng bao gồm: Prosi Thăng Long đạt 1.173 tấn, giảm 10%; Gia vị Sơn Hà đạt 600 tấn, giảm 24,1%; Olam Việt Nam đạt 441 tấn, tăng 49,5%; Senspice Việt Nam đạt 315 tấn, tăng 5,7% và Tuấn Minh đạt 299 tấn, giảm 2,6%.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất trong tháng 8 là Ấn Độ đạt 2.464 tấn, giảm 23,4% so với tháng 7. Tiếp theo là các thị trường Hoa Kỳ đạt 1.156 tấn, tăng 6,7% và Indonesia đạt 810 tấn, giảm 41,8%.
Xuất khẩu quế thu về 177 triệu USD trong 8 tháng.
Như vậy, tính đến hết tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu được 62.918 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 177 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 1,7%, tuy nhiên kim ngạch lại giảm 3,5%.
Ấn Độ là thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam với 20.722 tấn, tuy nhiên so cùng kỳ giảm 24,0%. Tiếp theo là các thị trường: Hoa Kỳ đạt 7.399 tấn, tăng 8,0%, Bangladesh đạt 6.238 tấn, tăng 35,2%; Indonesia đạt 4.110 tấn, tăng 121,4% và UAE đạt 1.633 tấn, tăng 91,4%.
Theo báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.
Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Quế có nhiều tác dụng trong sản xuất và cuộc sống như sử dụng làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh, sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc sử dụng làm phân bón…
Huyền My (t/h)