Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, cả nước xuất khẩu trên 1,44 triệu tấn phân bón các loại, tương đương gần 590,54 triệu USD, giá trung bình 409,9 USD/tấn. Riêng tháng 10/2024, xuất khẩu 147.489 tấn phân bón các loại đạt 59,81 triệu USD, giá 405,6 USD/tấn.
Về thị trường, phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 33,2% trong tổng khối lượng và chiếm 33,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Tháng 10/2024, xuất khẩu sang thị trường này đạt 59.699 tấn, tương đương 23,19 triệu USD, giá trung bình 388,4 USD/tấn.
10 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu phân bón của Việt Nam thu về 590 triệu USD. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Đứng thứ hai là thị trường Hàn Quốc đạt 164.334 tấn, tương đương gần 66,85 triệu USD, giá trung bình 406,8 USD/tấn, tăng mạnh 174,5% về lượng, tăng 192,7% kim ngạch và tăng 6,6% về giá, chiếm trên 11% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Malaysia đạt 95.763 tấn, tương đương 36,51 triệu USD, giá trung bình 381,3 USD/tấn, tăng 17,6% về lượng, tăng 32,4% kim ngạch và giá tăng 12,5%, chiếm 6,7% trong tổng khối lượng và chiếm 6,2% trong tổng kim ngạch.
Nhận định chung của nhiều chuyên gia trong ngành phân bón thì xuất khẩu phân bón đang phục hồi nhưng kim ngạch xuất khẩu cả năm Xuất khẩu phân bón thu về 590 triệu USD trong 10 thángvẫn sẽ cách khá xa mức kỷ lục 1 tỷ USD của năm 2022. Bởi trong năm nay, giá phân bón trên thị trường toàn cầu vẫn đang trong xu hướng giảm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá nguyên liệu đầu vào giảm đang dẫn tới sự cải thiện về sản xuất phân bón trên thế giới. Chẳng hạn, tại châu Âu giá khí thiên nhiên (nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho sản xuất phân đạm) trong quý 2 thấp hơn 11% so với cùng kỳ năm 2023, giá lưu huỳnh thấp hơn 26% … Trong quý 2 năm nay, chỉ số giá phân bón hợp lý đã đạt tương đương mức trung bình của thời kỳ 2015-2019.
WB dự báo, giá phân bón trung bình trong các năm 2024 và 2025 sẽ thấp hơn so với năm 2023, nhưng vẫn cao hơn mức giá trung bình thời kỳ 2015-2019. Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng phân bón đang ở mức cao, trong khi Trung Quốc đang tiếp tục hạn chế xuất khẩu phân lân, các biện pháp trừng phạt quốc tế đang được áp đặt với Belarus và Nga (2 quốc gia chiếm gần 50% tổng sản lượng phân kali toàn cầu) ...
Liên quan đến ngành phân bón, trước đó, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ phân bón tại Việt Nam vào khoảng 11 triệu tấn mỗi năm, bao gồm các loại: urê, DAP, NPK, Kali... Trong đó, phân urê chiếm tỷ trọng sản xuất lớn, với tổng công suất ước đạt 3 triệu tấn/năm với phần lớn nguyên liệu đầu vào khai thác trong nước từ các mỏ khí như Bạch Hổ, Nam Côn Sơn. Riêng kali, Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.
Theo dự báo của Hiệp hội phân bón thế giới (IFA), nhu cầu tiêu thụ phân Ure trong giai đoạn 2024-2028 sẽ tăng 6%. Riêng Việt Nam, AgroMonitor dự báo tiêu thụ ure trong 2024 tăng khoảng 13% so với niên vụ 2022-2023. Nhu cầu phân bón ngắn hạn kỳ vọng cải thiện nhờ các yếu tố: nguồn cung xuất khẩu gạo thế giới chưa cải thiện; xuất khẩu nông sản Việt Nam kỳ vọng tích cực, giúp gia tăng lượng phân bón tiêu thụ.
Nam Dương (T/h)