Việt Nam đang là quốc gia có sự vươn lên mạnh mẽ về công nghệ số, nhiều DN Việt Nam đã tiến ra thị trường thế giới và thành công rực rỡ. Tuy nhiên, “mỏ vàng” tỷ đô này còn rất nhiều dư địa và Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để khai thác tối đa tiềm năng.
Theo thống kê từ Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm. Các doanh nghiệp đã và đang mở rộng hoạt động ra nước ngoài, mang về doanh thu đáng kể.
Tính đến hết năm 2023, hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài đem về khoảng 7,5 tỷ USD.
Theo Tập đoàn Gartner, dự báo chi tiêu công nghệ số toàn cầu năm 2024 ước đạt khoảng 5.000 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2023 và tiếp tục gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại. Con số 7,5 tỷ USD doanh thu hiện nay của doanh nghiệp công nghiệp số Việt Nam tại thị trường nước ngoài so với tổng chi tiêu này cho thấy vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới.
Chủ trương này đã gặt hái được kết quả đáng mừng khi mới đây, trong Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) năm 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam đạt vị trí số 1 thế giới ở 3 chỉ số quan trọng: nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.
Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.
Theo các chuyên gia, công nghệ số Việt Nam đạt được thành tựu xuất khẩu ấn tượng là nhờ sự kết hợp của nhiều yếu tố then chốt như chính sách hỗ trợ, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn nhân lực trẻ và năng động, chi phí cạnh tranh, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, khả năng nắm bắt cơ hội từ chuyển đổi số…
Sự kết hợp hài hòa của các yếu tố trên đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ số Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định vị thế và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, dù đạt được những thành tựu đáng kể, xuất khẩu công nghệ số của Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức đáng kể như cạnh tranh quốc tế gay gắt, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, hạn chế về vốn và đầu tư, chưa làm chủ công nghệ lõi…
Ngoài ra còn một số thách thức về bảo vệ sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số chậm trong một số ngành và lĩnh vực kinh tế cũng làm hạn chế cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ số.
Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, cần nhấn mạnh tới 2 nhóm vấn đề gồm cơ chế chính sách, hành lang pháp lý và nguồn nhân lực.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài là một nội dung quan trọng đang được rà soát, cập nhật bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Minh An (t/h)