Trong 8 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, bao gồm vốn cấp mới và điều chỉnh, đạt 147,3 triệu đô la Mỹ, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư ra nước ngoài đang chậm lại, nhưng đó chỉ là vấn đề thời điểm. Nguyên nhân là do những năm gần đây, do ảnh hưởng những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, cũng như của Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt có xu hướng giảm.
Trong 8 tháng năm 2024, có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn từ phía Việt Nam.
Xét về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ở 14 ngành. Trong đó, khai khoáng đạt 58,6 triệu USD, chiếm 39,8% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 29,1 triệu USD, chiếm 19,7%.
Đứng thứ ba là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 24,7 triệu USD, chiếm 16,8%. Hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ đạt 20 triệu USD, chiếm 13,6%.
Dịch vụ khác đạt 10 triệu USD, chiếm 6,8%. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí đạt gần 8 triệu USD, chiếm 5,4% vốn đầu tư.
Xét về lãnh thổ đầu tư, trong 8 tháng năm 2024, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Có một điểm tích cực, đó là thời gian gần đây, bên cạnh các thị trường đầu tư truyền thống, một số doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Mỹ, sang Hà Lan, sang châu Âu… và một số thị trường khác.
Theo đó, Hà Lan là nước dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 37,1% tổng vốn đầu tư; Lào 37,8 triệu USD, chiếm 25,7% vốn đầu tư.
Vương quốc Anh 19,8 triệu USD, chiếm 13,4% vốn đầu tư; Hoa Kỳ 18,6 triệu USD, chiếm 12,7%; Campuchia 16,6 triệu USD, chiếm 11,3%; New Zealand 5,9 triệu USD, chiếm 4% vốn đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam; trong đó, có Vingroup, TH, FPT, Vinamilk… cho biết, các doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt có nhiều tín hiệu tích cực song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư ra nước ngoài. Chính phủ cần xây dựng đề án chiến lược đầu tư ra nước ngoài hoàn chỉnh.
Cần đánh giá thực trạng và hiệu quả của hoạt động này tới nền kinh tế trong thời gian qua. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài cần được hỗ trợ và khuyến khích để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Huyền My (t/h)