VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.
Chứng khoán VNDirect vừa công bố báo cáo vĩ mô nhận định, trong quý III/2024, GDP của Việt Nam tăng 7,4%, đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất kể từ mức tăng hơn 13,7% của quý III/2022 sau khi Chính phủ chính thức mở cửa kinh tế hậu Covid-19.
Theo VNDirect, mức tăng trưởng 7,4% đã vượt dự báo trước đó của đơn vị này là 6,6%, cũng như gây bất ngờ lớn cho thị trường, nhất là trong bối cảnh siêu bão Yagi vừa hoành hành. GDP tăng 6,8% sau 9 tháng đã củng cố niềm tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7% trong năm 2024.
"Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 6,9%. Chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, chủ yếu nhờ hoạt động sản xuất và xuất khẩu duy trì tích cực; dòng vốn FDI dồi dào; sự phục hồi của thị trường bất động sản và các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ, bao gồm cả chính sách tiền tệ và tài khóa.
Vì vậy, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9% từ dự báo cũ là 6,7%, phản ánh mức tăng trưởng quý III vượt dự báo và kỳ vọng vào mức tăng trưởng khả quan trong quý IV", báo cáo của VNDirect nêu.
VNDirect cũng lạc quan dự báo GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025 nhờ vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trên toàn cầu; triển vọng tích cực của lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; nhu cầu tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện và đầu tư tư nhân từng bước phục hồi.
Theo VNDirect, năm 2024 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ toàn cầu khi chứng kiến 150 lần cắt giảm lãi suất so với chỉ 23 lần tăng lãi suất. Xu hướng nới lỏng này đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC).
"VNDirect dự báo xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu có thể sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2025, khi lạm phát ở các nước phát triển dần dần đạt đến mục tiêu của các ngân hàng trung ương," báo cáo nhận định.
Điều này theo VNDirect sẽ mở ra nhiều dư địa hơn để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ theo định hướng hỗ trợ tăng trưởng trong giai đoạn tới, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng cung tiền thông qua mua vào dự trữ ngoại hối và duy trì hoặc thậm chí giảm nhẹ lãi suất điều hành để giữ lãi suất thị trường ở mức thấp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, môi trường tín dụng nới lỏng toàn cầu cũng sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư xuyên biên giới và củng cố triển vọng không chỉ đối với đầu tư FDI mà cả đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam trong năm 2025. Dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ duy trì tích cực trong năm 2025, với tốc độ tăng trưởng 8-9%, trong khi giá trị xuất nhập khẩu tăng trưởng 9-10%.
Huyền My (t/h)