Theo Hiệp hội mỳ ăn liền Thế giới (WINA), trong 3 năm trở lại đây Việt Nam luôn được xếp vào top 3 quốc gia có tổng sản lượng tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới.
Theo số liệu mới được cập nhật của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền, đứng thứ ba thế giới, sau Indonesia (14,26 tỷ gói) và Trung Quốc/Hong Kong (45,07 tỷ gói).
So với năm 2021, số lượng gói mì ăn liền được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam trong năm 2022 đã giảm xuống, song con số này vẫn cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2018 – 2020.
Người Việt tiêu thụ khoảng 8,48 tỷ gói mì ăn liền trong năm 2022. Ảnh: Báo Công thương
Theo thống kê của WINA, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền tập trung chủ yếu tại các quốc gia châu Á. Cụ thể, trong số 10 quốc gia có lượng tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất năm 2022, chỉ có duy nhất hai quốc gia nằm ngoài khu vực châu Á là Mỹ (vị trí thứ 6 – 5,15 tỷ gói) và Brazil (vị trí thứ 10 – 2,83 tỷ gói).
Ngoài Indonesia và Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng có mức độ tiêu thụ mì ăn liền tương đối cao trong năm 2022. Chẳng hạn, Philippines có sản lượng tiêu thụ 4,29 tỷ gói trong năm ngoái, đứng thứ 7 toàn cầu, trong khi Thái Lan cũng đứng thứ 9 toàn cầu với sản lượng tiêu thụ 3,87 tỷ gói.
Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, chẳng hạn như Malaysia và Myanmar, với sản lượng tiêu thụ mì ăn liền trong năm 2022 lần lượt là 1,55 tỷ gói và 770 triệu gói, đều năm trong top 20 thế giới.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm cả doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền ngày càng có nhiều thành tích cao khi 3 năm liền sản lượng tiêu thụ sản phẩm này luôn đi lên. Xét về thị phần, Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mỳ gói, chiếm tổng cộng 33%, theo Euromonitor - một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh.
Theo đó, tính về tổng doanh thu hoặc sản lượng tiêu thụ, Acecook cho biết năm 2022 họ bán ra thị trường Việt Nam 3,3 tỷ gói mỳ. Trong đó, Masan không công bố số liệu chi tiết về từng nhóm sản phẩm nhưng báo cáo thường niên năm 2021 cho biết doanh nghiệp này có 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có 2 thương hiệu là mỳ ăn liền.
Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nhiều lệnh phong tỏa được áp đặt, người dân phải ở nhà nên dẫn tới nhu cầu tự nấu ăn tăng mạnh, đồng thời, mì gói lại có lợi thế về sự tiện lợi cũng như giá cả.
Điều đó góp phần khiến sức tiêu thụ mì gói trên toàn cầu tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, ảnh hưởng tới tình hình tài chính của nhiều hộ gia đình trên thế giới.
Theo báo cáo nghiên cứu thị trường Facts and Factors, doanh thu của mì ăn liền dự kiến sẽ tăng từ 45,67 tỷ USD trong năm 2020 lên 73,55 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm sẽ đạt 6%/năm trong giai đoạn 2021 - 2026.
Huyền My (t/h)