Việt Nam nhập khẩu 5,74 triệu tấn ngô trong 7 tháng
Xuất Nhập Khẩu

Tổng cục Hải quan cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 5,74 triệu tấn ngô từ các thị trường quốc tế, với tổng trị giá 1,43 tỷ USD.

Với số liệu trên, so với cùng kỳ năm trước, lượng và kim ngạch nhập khẩu ngô tăng lần lượt 34% và 1,9%. Sự chênh lệch này do giá nhập khẩu ngô giảm từ 328,1 USD/tấn tại cùng kỳ năm trước xuống còn 249 USD/tấn tại kỳ này, tương ứng giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu 5,74 triệu tấn ngô trong 7 tháng- Ảnh 1.

Nhìn chung trong các tháng đầu năm 2024, lượng ngô nhập khẩu từ các thị trường đều ghi nhận tăng. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 892.238 tấn ngô, trị giá 214,5 triệu USD với giá trung bình 240,4 USD/tấn. So với tháng 6, lượng ngô nhập khẩu tăng 36,4%, kim ngạch tăng 35,3%, nhưng giá giảm nhẹ 0,8%. So với cùng kỳ năm trước, lượng ngô tăng mạnh 49,4%, kim ngạch tăng 21,2%, trong khi giá giảm 18,9%.

Về thị trường, Argentina là thị trường lớn nhất cung cấp ngô cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2024, chiếm 55,5% trong tổng lượng và chiếm 54% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, đạt gần 3,19 triệu tấn, tương đương trên 772,29 triệu USD, giá 242,4 USD/tấn, tăng 130,3% về lượng, tăng 70,9% kim ngạch nhưng giảm 25,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2023.

Thị trường lớn thứ 2 là Brazil, trong 7 tháng năm 2024 đạt trên 1,57 triệu tấn, tương đương 402,69 triệu USD, giá 256 USD/tấn, chiếm 27,4% trong tổng lượng và chiếm 28,2% tổng kim ngạch nhập khẩu ngô của cả nước, tăng 14% về lượng, nhưng giảm 12,4% về kim ngạch và giá giảm 23,2% so với 7 tháng đầu năm 2023.

Hai trong 5 thị trường nhập khẩu ngô chính còn lại của Việt Nam đến từ khối ASEAN là Thái Lan và Lào. Cụ thể, Việt Nam nhập 74.589 tấn từ Lào, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ngô từ quốc gia này lại giảm 11,8% so với cùng kỳ, còn 18,6 triệu USD, do giá giảm sâu 28% so với cùng kỳ, chỉ đạt 249,9 USD/tấn trong 7 tháng năm 2024.

Trong khi đó, lượng và kim ngạch nhập khẩu ngô từ Thái Lan đạt lần lượt 3.410 tấn với kim ngạch 12 triệu USD, giảm lần lượt 27% và 25% so với cùng kỳ năm trước. Giá nhập khẩu ngô trung bình từ quốc gia này có mức cao nhất trong số các thị trường chính với 3.543 USD/tấn, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú, lượng và kim ngạch nhập khẩu ngô từ Ấn Độ giảm lần lượt 99,7% và 98% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.561 tấn với 6,8 triệu USD. Trái ngược với kết quả này, giá ngô nhập khẩu trung bình từ Ấn Độ lại tăng từ 310 USD/tấn lên tới 2.673 USD/tấn tại kỳ này, tương ứng cao gấp 8,6 lần.

Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân tăng số lượng nhập khẩu ngô do sản lượng ngô trong nước không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là từ ngành chăn nuôi và sản xuất thức ăn gia súc.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào ngô nhập khẩu, giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể để thúc đẩy sản xuất ngô trong nước. Trước hết, cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các giống ngô có năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng miền. Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cũng là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất và chất lượng ngô.

Đồng thời, các chính sách hỗ trợ người nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và thị trường cũng cần được chú trọng. Chính phủ cần khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng ngô thông qua các chương trình hỗ trợ giá, đào tạo kỹ thuật canh tác và mở rộng thị trường tiêu thụ ngô trong nước.

Việc xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ ngô cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nguồn cung và giá cả. Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cần hợp tác chặt chẽ với nông dân để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ ngô trong nước.

An Mai (t/h)