Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá với nhôm đùn ép
Xuất Nhập Khẩu

Bộ Công Thương ngày 31/10 thông tin, sau quá trình điều tra, đánh giá, Hoa Kỳ không áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước đó, ngày 24/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra vụ việc chống bán phá giá/chống trợ cấp với nhôm đùn ép nhập khẩu từ Trung Quốc, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam theo đề nghị của nguyên đơn là Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ. Thời gian điều tra bán phá giá từ ngày 01/4 đến ngày 30/9/2023.

Trong đó, Việt Nam chỉ bị điều tra chống bán phá giá.

Quy trình điều tra của Hoa Kỳ yêu cầu sự tham gia của hai cơ quan chính: DOC, phụ trách xác định hành vi bán phá giá hoặc trợ cấp, và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC), chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước. Thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ được áp dụng khi cả hai cơ quan đều đưa ra kết luận khẳng định về hành vi bán phá giá/trợ cấp và thiệt hại đối với sản xuất trong nước.

Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá với nhôm đùn ép- Ảnh 1.

Đến ngày 30/10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ITC ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ việc điều tra chống bán phá giá⁄chống trợ cấp nhôm đùn ép nhập khẩu từ Trung Quốc, Colombia, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Italia, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam.

Theo đó, ITC xác định ngành công nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại đáng kể do nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước, vùng lãnh thổ bị điều tra nói trên, mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trước đó đã kết luận nhôm đùn ép nhập khẩu từ các nước, vùng lãnh thổ này được bán phá giá, trợ cấp.

Căn cứ theo kết luận của ITC, DOC sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước, vùng lãnh thổ.

Kết luận này của ITC không chỉ làm rõ vai trò của mỗi cơ quan trong quy trình điều tra thương mại của Hoa Kỳ mà còn khẳng định rằng, các sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác sẽ không phải chịu bất kỳ biện pháp thuế quan bổ sung nào theo quy định hiện hành.

Huyền My (t/h)