Sau 5 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam vẫn duy trì lợi thế xuất siêu lớn với EU, đạt mức 35,2 tỷ USD vào năm 2024.
Chiều 24/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Việt Nam sau 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA): Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách”.
Theo kết quả nghiên cứu của CIEM, sau 5 năm thực thi EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh nhờ ưu đãi thuế quan, đặc biệt ở các ngành như dệt may, da giày, thủy sản và nông sản chế biến.
Đồng thời, EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững. Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Các lĩnh vực có thay đổi đáng kể bao gồm minh bạch hóa quy trình hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.
Tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần, đạt 13,19% vào năm 2024. Tuy nhiên, nhập khẩu từ EU lại có xu hướng giảm hoặc tăng trưởng chậm do chi phí cao và sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp khác, đặc biệt từ các nước châu Á. Dù vậy, Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu lớn với EU, đạt mức 35,2 tỷ USD vào năm 2024, cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA đã tăng từ 14,8% năm 2020 lên 35,2% năm 2023.
Tuy vậy, việc thực thi EVFTA vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp do nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ khắt khe. Báo cáo nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất một số khuyến nghị chính sách quan trọng để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA.
Cụ thể, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết EVFTA. Cách tiếp cận cần hướng tới tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU về cải cách các quy định theo hướng phù hợp với các xu hướng mới, đặc biệt là về công nghệ mới và phát triển bền vững.
Đồng thời, việc cải thiện cơ chế phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực thi hiệp định là rất quan trọng để nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và ổn định trong chính sách sẽ giúp thu hút thêm FDI có chất lượng từ EU.
Huyền My (t/h)