Việc xác định lộ trình vận hành thị trường carbon đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường carbon là động lực quan trọng cho quá trình tiến tới Net Zero vào năm 2050, xây dựng nền kinh tế xanh theo xu hướng toàn cầu. Tham gia thị trường này là bước vào một cuộc chơi quốc tế với rất nhiều thách thức, áp lực song cũng đem đến vô vàn cơ hội và lợi ích mà doanh nghiệp Việt Nam khó có thể chối từ.
Nhận định về tiềm năng của thị trường carbon, các chuyên gia cho biết, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia thị trường tín chỉ carbon vì chúng ta là một thị trường mới và non trẻ trên bản đồ thị trường tín chỉ carbon trên thế giới, với dư địa hiện tại về tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng cũng như các ngành nông nghiệp còn rất lớn.
Theo dự thảo Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, thị trường carbon tại Việt Nam sẽ giúp đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí thấp, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đề án xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần “vừa làm, vừa hoàn thiện” để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới...
Bắt đầu từ năm 2025, hơn 1.900 doanh nghiệp lớn, phát thải 3.000 tấn carbon mỗi năm tại Việt Nam có thể mua tín chỉ carbon trong nước, nếu các giải pháp chủ động chưa đủ để đạt các tiêu chuẩn giảm phát thải.
Quá trình triển khai Đề án, chúng ta cần bảo đảm hội nhập, hài hoà về trình tự thủ tục, năng lực chuyên môn, đồng bộ với thông lệ quốc tế như: Hệ thống pháp luật; tổ chức tư vấn, thẩm định, đo đạc, đánh giá hạn ngạch, tín chỉ carbon tham vấn nước ngoài; các chủ thể tham gia thị trường carbon, các điều kiện cần thiết khác để thị trường carbon trong nước có thể kết nối với khu vực, thế giới trong tương lai.
Minh An (t/h)