UOB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 xuống 5,9%
Diễn Đàn

Do tác động từ bão Yagi, UOB giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam từ 6% xuống 5,9%.

Ngân hàng UOB của Singapore vừa đưa ra dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam sau tác động nặng nề của cơn bão số 3 (bão Yagi). Sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi, các nỗ lực tái thiết và nền cơ sở cao hơn trong nửa cuối năm 2023, Ngân hàng UOB đã điều chỉnh giảm mức dự báo tăng trưởng cho Việt Nam. UOB dự báo tăng trưởng cả năm hạ xuống còn 5,9%.

UOB hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 xuống 5,9%- Ảnh 1.

Theo đó, dù đã tăng trưởng vượt trội ở mức 6,93% trong quý II, tốc độ nhanh nhất trong gần 2 năm, nhưng đà tăng trưởng mạnh mẽ này khó có thể giữ vững trong nửa cuối năm 2024.

Theo UOB, trước cơn bão, dữ liệu của Việt Nam cho đến tháng 8 vẫn cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 được cảm nhận rõ hơn vào cuối quý III và đầu quý IV ở phía Bắc. Tác động sẽ thể hiện qua việc sản lượng sụt giảm và các cơ sở bị hư hỏng ở nhiều lĩnh vực như sản xuất, nông nghiệp và các dịch vụ.

Vì vậy, kinh tế quý III và IV sẽ chậm lại lần lượt ở mức 5,7% và 5,2%, giảm so với dự báo trước đó là 6% và 5,4%.

Tuy vậy, UOB cũng cho rằng, ngoài những gián đoạn tạm thời này, các yếu tố cơ bản dài hạn vẫn khá vững chắc. Do đó, dự báo tăng trưởng cả năm của UOB cho năm 2024 được hạ xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm phần trăm so với dự báo trước đó là 6%). Đây vẫn là sự phục hồi tích cực so với mức tăng trưởng 5% vào năm 2023.

Đồng thời, dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025 được điều chỉnh tăng 0,2% điểm phần trăm lên 6,6%, phản ánh mức tăng dự kiến để bù đắp cho những khoản sụt giảm trước đó. 

Trong khi đó, Economica Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ vượt mục tiêu 6,5% đề ra, thậm chí còn tiệm cận đến mục tiêu 7% mà Chính phủ đề ra nhờ sự của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở địa phương khác sẽ bù đắp thiệt hại do cơn bão gây ra.

Xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục gia tăng ở nhiều ngành hàng, đầu tư công được đẩy mạnh mẽ tại nhiều địa phương, và tiêu dùng của người dân được kỳ vọng tăng tốc vào cuối năm.

Minh An (t/h)