Dù bỏ ra đến hàng chục tỷ USD để cho đi, tỷ phú MacKenzie Scott lại chưa từng khoa trương trong hành trình thiện nguyện của mình. Nữ tỷ phú kín tiếng đến mức gần đây, một bức thư điện tử về khoản quyên góp trị giá 10 triệu USD của bà đã bị đơn vị nhận tài trợ nhầm tưởng thành “thư rác”.
Không chỉ bà Scott, rất nhiều tỷ phú trên thế giới khác cũng đang âm thầm đóng góp cho các tổ chức thiện nguyện với mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh thực sự khó khăn.
Năm 2019, hàng loạt các tổ chức phi lợi nhuận trên khắp nước Mỹ bỗng nhận được một cuộc gọi đến từ đơn vị tự xưng là Lost Horse, bày tỏ mong muốn quyên góp hàng triệu USD mà không cần bất cứ điều kiện gì đặc biệt. Sau đó, nhà hảo tâm ẩn danh đã được tiết lộ là bà MacKenzie Scott, người lúc bấy giờ vừa ly hôn tỷ phú có khối tài sản thuộc top đầu thế giới, ông Jeff Bezos.
Tại thời điểm mọi thủ tục ly hôn hoàn tất vào năm 2019, bà Scott đã bí mật thành lập một quỹ quản lý tài sản mang tên Lost Horse. Quỹ không hoạt động rầm rộ, nhưng đã thành công liên hệ với hàng nghìn tổ chức từ thiện và trao tặng những khoản quyên góp đến hơn 1.200 nhóm khác nhau.
Từ một người từng phải lo lắng từng đồng, tích lũy từng chút để trả tiền thuê nhà, bà Scott hiện đang không tiếc cho đi đến hàng tỷ USD. Bà bắt đầu giải ngân khối tài sản khổng lồ của mình với tốc độ chưa từng có, mọi sự tiếp cận với các tổ chức từ thiện và phi lợi nhuận đều là trực tiếp và không thông qua bất kỳ bên trung gian nào. Trong đó, các nhóm nhận được nhiều tài trợ nhất là những tổ chức tập trung thúc đẩy công lý xã hội và chống lại sự bất bình đẳng.
Trong khi bà Scott đang tìm cách ẩn mình và tránh xuất hiện, quỹ tài trợ của bà đang ngày một lớn mạnh và hiện diện rõ ràng hơn, định hình lại các hoạt động từ thiện tại Mỹ cũng như nhiều nơi khác. Bằng cách này, bà Scott đã trở thành nhà từ thiện có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay. Bà Scott cho rằng việc thiện nguyện không rầm rộ sẽ giúp khoản tài trợ được đưa đến tận tay những người thực sự cần nó.
Không có một bộ máy cồng kềnh nào, những người đại diện của bà Scott sẽ xuất hiện “từ hư không” với một tấm séc có giá trị khổng lồ rồi lại lẳng lặng biến mất. Ước tính kể từ khi ly hôn, bà Scott đã trao tặng hơn 17 tỷ USD cho các tổ chức cần sự giúp đỡ, đặc biệt tập trung đến các nhóm bị những đơn vị thiện tâm lâu năm hơn bỏ qua.
Nếu thông thường, các khoản quyên góp đòi hỏi phải đi kèm thông cáo báo chí rầm rộ, thì đề nghị duy nhất của bà Scott đối với người nhận là họ phải giúp bà duy trì sự bảo mật.
Mọi nỗ lực liên hệ với bà Scott qua điện thoại, email, thư trực tiếp hay thông qua trung gian… đều là không thể. Bản thân nữ tỷ phú và những cố vấn thân cận nhất hầu như không bao giờ trả lời các thư từ, bao gồm cả những yêu cầu phỏng vấn hay đơn xin trợ cấp.
Một lần hiếm hoi bà Scott lộ diện là vào sau thời điểm sau khi ký “Cam kết cho đi” (Giving Pledge), một chiến dịch từ thiện do tỷ phú Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett gây dựng, trong đó những người tham gia phải ký cam kết chấp thuận cho đi ít nhất 50% số tài sản của mình.
Bà Scott chia sẻ với Giving Pledge rằng: “Giá trị to lớn sẽ đến khi mọi người hành động nhanh chóng theo sự thôi thúc muốn cho đi. Mỗi chúng ta đều có những món quà có thể chia sẻ với người khác: thời gian, kiến thức, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo, tài năng, nỗ lực, sự hài hước, lòng trắc ẩn…
Khi ta cho đi, những thứ lớn lao hơn sẽ xuất hiện: sự nhẹ nhõm trên khuôn mặt của những đứa trẻ, sự phấn khích trong ngôi trường mà chúng ta gửi sách đến, sự an toàn của những gia đình ngủ trong các nơi trú ẩn mà chúng ta tài trợ…
Những kết quả tức thời này chỉ là khởi đầu. Giá trị của chúng sẽ tiếp tục nhân lên và lan rộng theo những cách mà chúng ta có thể không bao giờ biết. Cách tiếp cận của tôi đối với các hoạt động từ thiện vẫn đang được cân nhắc để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Tôi sẽ tiếp tục đến khi rỗng túi”.
Tỷ phú MacKenzie Scott
Tỷ phú Mackenzie Scott không phải là người duy nhất lựa chọn cách từ thiện bí mật, rất nhiều doanh nhân khác trên thế giới cũng cho đi một cách âm thầm.
Cố tỷ phú Charles Francis “Chuck” Feeney, người đồng sáng lập đơn vị bán lẻ Duty Free Shoppers, đã tài trợ hơn 8 tỷ USD nhằm hỗ trợ giáo dục, y tế, sự công bằng và nhiều lĩnh vực khác cho một vài quốc gia trên thế giới.
Theo phóng viên Steven Bertoni của Forbes, lần đầu tiên ông viết về Feeney là vào năm 2012, khi đề cập đến việc doanh nhân này vừa được đưa vào danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của tạp chí với khối tài sản ước tính là 1,3 tỷ USD.
Chỉ ngay sau đó, Forbes mới nhận ra mình mắc sai lầm nghiêm trọng, khi nhận thấy khối tài sản thực tế của tỷ phú Feeney thực chất chênh lệch gấp nhiều lần vì ông đã âm thầm chuyển gần như toàn bộ số tiền mình có trong tay cho quỹ từ thiện do bản thân sáng lập: The Atlantic Philanthropies. Ước tính, tại thời điểm Forbes lên bài, ông Feeney chỉ sở hữu chưa đến 5 triệu USD.
Cũng giống với bà Scott, ông Feeney đã nỗ lực hết sức để giữ bí mật các khoản tài trợ của mình. Vì chiến dịch từ thiện âm thầm khắp thế giới, ông còn được Forbes đặt biệt danh là “James Bond của hoạt động từ thiện”.
Tỷ phú Warrem Bufett từng cho biết ông Feeney chính là nền tảng truyền cảm hứng cho dự án Giving Pledge: “Ông ấy là hình mẫu cho tất cả chúng ta. Có lẽ phải mất đến 12 năm sau khi tôi qua đời mới có thể hoàn thành những gì ông ấy làm trong suốt cuộc đời mình”.
Đa phần các tỷ phú thế giới đều làm từ thiện, và mỗi người họ có một phương pháp khác nhau. Tỷ phú Sergey Brin, nhà đồng sáng lập Google và là một trong 10 người giàu nhất thế giới hiện nay, cũng sở hữu một tổ chức từ thiện bí mật.
Theo tờ The Daily Beast, họ đã tiến hành một cuộc điều tra kéo dài nhiều ngày, lục tung các hồ sơ tại tòa án California, để xác định ông Brin là nhà tài trợ duy nhất cho một tổ chức từ thiện về thảm họa có tên là Global Support and Development (GSD). Đội ngũ nhân viên của tổ chức, gần một nửa trong số đó là các cựu quân nhân, được điều hành bởi những vệ sĩ cũ của ông Brin.
Trong suốt 5 năm qua, GSD đã âm thầm sử dụng hệ thống công nghệ cao để hỗ trợ các nhạn nhân chịu ảnh hưởng bởi những thảm họa nghiêm trọng như bão lũ, động đất, núi lửa, thậm chí bao gồm cả đại dịch Covid-19.
GSD cũng đã thiết lập mạng lưới hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế, bao gồm cả các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, để đảm bảo rằng các hoạt động cứu trợ sẽ hiệu quả và kịp thời.
Nỗ lực của tổ chức không chỉ mang lại tác động thiết thực cho hàng nghìn người bị ảnh hưởng, mà còn tạo ra một cơ hội đầy ý nghĩa cho các cựu quân nhân tham gia vào những hoạt động nhân đạo.