TT Trump áp thuế 46%: Doanh nghiệp Việt choáng váng, triệu tập họp khẩn
Doanh Nghiệp

Trước thông tin Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề đã tổ chức họp khẩn nhằm tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại.

Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở top những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%. Tỉ lệ ngày khiến hầu hết các các doanh nghiệp bị sốc.

Các nền kinh tế khác trong khu vực cũng bị áp thuế như: Campuchia ở mức 49%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%. Riêng Trung Quốc trước đó đã bị đánh thuế 20%, giờ bị áp thêm 34% nữa là 54%. Canada và Mexido, hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã chịu thuế 25% đối với nhiều hàng hóa và sẽ không bị áp thêm thuế mới được công bố trong ngày 2/4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan có đi có lại vào ngày 2/4 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters.

Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) nói: "Chúng tôi thực sự choáng váng, chưa hoàn hồn nổi. Từ hôm qua tôi đã thức đợi đến 2 giờ sáng, hôm nay dậy mở điện thoại thấy thông tin này, có thể nói, 46% là con số quá cao. Hàng xuất khẩu đi lời được 5 - 7% đã là tốt, giờ thuế nhập khẩu lên đến 46% thì tôi sợ sức mua sẽ giảm".

Cũng theo đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, 60 - 70% các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp của Bình Dương lên đến 80% nên việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng.

"Chính sách thuế của Mỹ khá phức tạp, hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng đang nghe ngóng phản ứng tiếp theo từ phía các đối tác và rất kỳ vọng Chính phủ, ngành chức năng sớm có ngay giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp", đại diện BIFA nhấn mạnh.

Trước đó, trong báo cáo Bản tin thị trường gỗ Hoa Kỳ do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM cũng nêu, năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 119,5 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm vào Mỹ đã chiếm tỷ lệ chi phối xấp xỉ 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ vào tất cả các thị trường trên thế giới.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất.

Các chuyên gia nhận định trong báo cáo: "Điều này là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngành gỗ Việt khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều chính sách biến động khó đoán của Chính phủ Mỹ trong 4 năm tới. Mỹ vừa xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ để quản lý tài nguyên rừng và bảo đảm tính hợp pháp của gỗ; đồng thời sẵn sàng áp đặt các biện pháp cứng rắn theo các luật trao quyền rất lớn cho Tổng thống Hoa Kỳ yêu cầu các quốc gia sản xuất, cung cấp gỗ và sản phẩm từ gỗ vào Mỹ phải chấp nhận chính sách “Nước Mỹ trên hết” trong bảo hộ sản xuất nội địa và thương mại quốc tế".

Để đáp ứng yêu cầu về pháp lý đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ, các chuyên gia đến từ các hiệp hội khuyến nghị, các bên liên quan tại Việt Nam cần triển khai các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương giữa hai quốc gia để thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.

Ngay sau khi Mỹ công bố áp thuế 46% đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: Thông tin này khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối".

Như chúng ta đã biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trước tình hình đó, tới đây VASEP sẽ có báo cáo, đề xuất với Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, từ đó có những giải pháp để ứng phó, đảm bảo xuất khẩu được thông suốt.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ tại TP. HCM cũng nói ngắn gọn: Ngay sau khi CNN đưa tin, công ty có liên lạc, nói chuyện với doanh nghiệp mua hàng ở Mỹ, họ cũng nói "chưa hiểu tình hình thế nào", nhưng mức thuế 46% là quá cao. Một chiếc bàn bán 100 USD, nay cùng cái đó, người Mỹ phải trả 146 USD là quá khủng khiếp. Hôm nay, các công ty liên lạc làm việc với các hãng tàu, đối tác xem thế nào…

Là doanh nghiệp đang xuất khẩu chính sang thị trường Mỹ, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean - nói: "Chúng tôi tính toán phương án có thể Mỹ áp mức thuế tổng hợp chung là 25% và các phương án dự phòng ở mức đó. Thế nên, trong 2 tháng qua vẫn sản xuất trong dự báo đó… Nay, ngoài thuế chung 10% có hiệu lực từ ngày 5.4, thuế đối ứng mà Mỹ nói có hiệu lực từ ngày 9.4 là "câu chuyện rất lớn" và "cực kỳ khó khăn".

Ông Việt giải thích, hiện tại hàng dệt may xuất sang Mỹ đang có mức bình quân 12%, riêng mặt hàng jean, khaki của công ty chịu mức thuế nhập khẩu 16%. Nếu Mỹ áp thuế đối ứng, tức là cộng thêm thuế nhập khẩu mà Mỹ đang áp dụng, như vậy, hàng dệt may bị đánh khoảng 58%. "Lúc này, chúng tôi chưa biết nói gì hơn, nhưng kỳ vọng sẽ có cuộc đàm phán tiếp giữa các nhà lãnh đạo cao cấp hai nước…", ông Việt chia sẻ.