Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Mỹ áp mức thuế 46% cho 90% hàng hóa từ Việt Nam là mức thuế rất cao, nhóm chịu tổn thương cao nhất trong các quốc gia. Với mức thuế này, hàng hoá Việt Nam sẽ đắt hơn các đối thủ từ 10-20% và ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau của nền kinh tế.
Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng sẽ áp dụng với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao nhất.
Theo thông tin từ Chính quyền Mỹ, lý do Việt Nam bị áp mức thuế đối ứng cao nhất chủ yếu đến từ việc Mỹ đánh giá Việt Nam hưởng lợi từ chính sách thương mại không công bằng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu bằng các biện pháp trợ cấp.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được xem là một trong những quốc gia có mức thặng dư thương mại cao với Mỹ, tương tự Trung Quốc trong những năm trước.
Mỹ áp thuế đối ứng: ‘Mức thuế huỷ diệt 46% sẽ khiến hàng hoá Việt Nam sẽ đắt hơn đối thủ 10 - 20%’.
Trong trường hợp đến ngày 9/4 mà ông Trump không thay đổi quyết định, hàng hoá Việt Nam xuất khẩu sang sẽ chịu tác động rất lớn bởi bị áp mức thuế cao hơn, giá hàng hoá sẽ cao hơn các đối thủ.
Phân tích về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, do Việt Nam bị áp thuế đối ứng cao hơn nhiều so với các đối thủ nên tác động sẽ là rất lớn.
"Trước đây, có người cho rằng Mỹ áp thuế Việt Nam cũng không vấn đề gì, vì Mỹ cũng sẽ áp thuế tương tự đối với nước khác, nên hàng của Việt Nam cũng sẽ không bị giảm tính cạnh tranh. Tuy nhiên, điều không mong muốn đã diễn ra khi mà mức thuế đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn chúng ta", ông Đức nói.
Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng với Việt Nam là 46%,tương đương với Campuchia, Lào, Sri Lanca, Trung Quốc, trong khi Thái Lan chỉ bị áp mức 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...
Như vậy, nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10 - 20% so với đối thủ chính, chuyên gia ước tính.
"Giả sử kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, khoảng 119 tỷ USD mỗi năm, thì hàng hóa của chúng ta sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỷ USD tiền thuế, tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam. Các mặt hàng chịu thiệt hại chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giầy, nội thất...", ông Đức phân tích.
Đặc biệt là với mức thuế cao hơn 10 - 20% hàng hoá của Việt Nam cũng sẽ tăng cao và khó cạnh tranh với các quốc gia khác tại thị trường Mỹ, ngay cả khi các nhà sản xuất có giảm biên lợi nhuận, với mức chênh lệch cao như vậy, sự cạnh tranh về giá vẫn là vô cùng khó khăn.
TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho rằng, việc Mỹ áp mức thuế 46% cho 90% hàng hóa từ Việt Nam là mức thuế hủy diệt. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến nhiều góc độ khác nhau của nền kinh tế.
Ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia KBSV từng đưa ra dự báo, nếu áp mức thuế đối ứng lên đến 11%, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 có thể giảm 0,7- 1,3 điểm % so với kịch bản không bị áp thuế. Trước đó, Goldman Sachs cũng dự báo GDP năm 2025 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5 điểm % nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%.
Tuy nhiên, với việc áp thuế đối ứng tới 46%, tăng trưởng GDP có thể sẽ bị ảnh hưởng cao hơn cả các mức kể trên.
Không chỉ thiệt hại với các nhà xuất khẩu Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng, chính người dân và các nhà nhập khẩu của Mỹ cũng thiệt hại lớn. Việt nam là một trong những nhà cung cấp lớn cho Mỹ từ máy tính, điện thoại, tới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, quần áo, dày dép, nông thủy hải sản và nội thất,...
Vì vậy, khi đánh thuế cao với hàng hoá Việt Nam, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng về giá trước khi chuyển đổi sang một nhà cung cấp khác.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia. Việc Mỹ đưa ra quyết định áp đặt mức thuế mới 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Phải đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.
Bị đánh thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam, dẫn đến nguy cơ sụt giảm đơn hàng và doanh thu cho doanh nghiệp. Thuế cao sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách điều chỉnh chi phí, có thể bao gồm việc chuyển hướng thị trường hoặc tăng giá bán.
Trong bối cảnh biến động như hiện tại, để giảm thiểu tác động từ việc Mỹ áp thuế, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tập trung vào việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường duy nhất là Mỹ sẽ khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các thay đổi trong chính sách thương mại của quốc gia này.
Chính phủ và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, và các quốc gia ASEAN. Việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) hay RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) sẽ tạo ra những cơ hội mới và giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam là một thách thức lớn đối với nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, với chiến lược đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải cách môi trường đầu tư và tăng cường hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua khó khăn này. Những nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, và xây dựng một nền kinh tế độc lập và tự chủ sẽ giúp Việt Nam duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai.
Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, với sự chủ động của Chính phủ và nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam vẫn có thể tìm ra các hướng đi phù hợp để thích nghi và phát triển trong bối cảnh mới. Việc đa dạng hóa thị trường, cải thiện chuỗi cung ứng và thúc đẩy đàm phán thương mại sẽ là những chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này.