Các cuộc khảo sát tư nhân cho thấy hoạt động sản xuất của châu Á trì trệ vào tháng 10 do sự phục hồi ở Trung Quốc không thúc đẩy đáng kể các nhà máy trong khu vực.
Cuộc khảo sát chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) cho thấy hoạt động sản xuất tại Nhật Bản và Hàn Quốc giảm do nhu cầu trong nước yếu và tăng trưởng chậm lại tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong một tia hy vọng, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại vào tháng 10, nhờ vào hàng loạt biện pháp kích thích "khủng" được Bắc Kinh triển khai nhằm hỗ trợ nền kinh tế mong manh.
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của hãng sản xuất ô tô Trung Quốc JAC Motors ở Weifang, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, ngày 28/2/2019. (Ảnh: REUTERS/Stringer)
Một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu của Caixin/S&P đã tăng lên 50,3 vào tháng 10 từ mức 49,3 của tháng trước, vượt qua mức dự báo 49,7 của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Số liệu này tương tự kết quả khảo sát chính thức ngày 31/10, cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 4, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang ổn định.
Nhưng ông Krishna Srinivasan, giám đốc Bộ phận châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo rằng rủi ro giảm phát đang gia tăng ở Trung Quốc và cần có những bước tiếp theo để khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng.
"Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến những gì xảy ra ở châu Á. Khi Trung Quốc chậm lại, phần còn lại của châu Á cũng chậm lại", ông Krishna nhận định, đồng thời nói thêm rằng đất nước này phải "chuyển từ mô hình đầu tư và xuất khẩu sang mô hình tiêu dùng".
Chỉ số PMI sản xuất cuối cùng của Ngân hàng au Jibun Nhật Bản đã giảm từ mức 49,7 vào tháng 9 xuống 49,2 vào tháng 10, ghi nhận tốc độ giảm nhanh nhất trong 3 tháng do nhu cầu trong nước và nước ngoài yếu.
Chỉ số này vẫn ở dưới ngưỡng 50,0 - ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy thoái trong tháng thứ tư liên tiếp.
Một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy PMI của Hàn Quốc ở mức 48,3 vào tháng 10, không thay đổi so với tháng trước và giảm trong tháng thứ hai liên tiếp với sản lượng giảm mạnh nhất trong 16 tháng.
Các cuộc khảo sát cũng cho thấy hoạt động sản xuất của nhà máy trong tháng 10 cũng giảm ở Indonesia và Malaysia, nhưng lại tăng ở Đài Loan và Việt Nam.
Các số liệu được đưa ra trong bối cảnh IMF cảnh báo về những rủi ro gia tăng đối với triển vọng kinh tế châu Á do tình trạng phân mảnh thương mại, khó khăn của ngành bất động sản Trung Quốc và khả năng thị trường tiếp tục biến động.
IMF cho biết áp lực giá liên tục giảm từ Trung Quốc có thể "gây căng thẳng thương mại" bằng cách gây tổn hại đến các ngành ở các nước láng giềng có cơ cấu xuất khẩu tương tự, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thực hiện các bước để phục hồi nền kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào nhu cầu.
Công nhân lắp ráp máy kích ống tại công trường xây dựng nhà ga đường sắt ngầm ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ngày 17/10/2024. (Ảnh: China Daily/REUTERS)
Trong báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á, IMF nêu rõ: "Một sự suy thoái kéo dài và lớn hơn dự kiến ở Trung Quốc sẽ gây hại cho cả khu vực và nền kinh tế toàn cầu".
Báo cáo cho biết: "Phản ứng chính sách của Trung Quốc rất quan trọng trong bối cảnh này", đồng thời kêu gọi cần có các bước đi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh lĩnh vực bất động sản và tăng cường tiêu dùng tư nhân.
Trong dự báo mới nhất, IMF dự đoán nền kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng 4,6% vào năm 2024 và 4,4% vào năm 2025 khi chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu tư nhân vào năm tới.
Dự báo cho năm 2024 và 2025 đều được điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của IMF đưa ra vào tháng 4, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 5,0% vào năm 2023.
IMF cho biết rủi ro "có xu hướng giảm" vì các bước thắt chặt tiền tệ trước đây và căng thẳng địa chính trị có thể gây tổn hại đến nhu cầu toàn cầu, làm tăng chi phí thương mại và gây chấn động thị trường.
Cũng theo báo cáo, "một rủi ro nghiêm trọng là sự leo thang trong các cuộc trả đũa thuế quan giữa các đối tác thương mại lớn", điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phân mảnh thương mại và gây tổn hại đến tăng trưởng trong khu vực.
Trong khi tăng trưởng thấp, nợ cao và chiến tranh leo thang đứng đầu chương trình nghị sự chính thức tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tuần trước, các nhà lãnh đạo tài chính lại lo lắng về những tác động tiềm tàng của việc ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trở lại nắm quyền trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11 tới đây.
Các nhà phân tích cho biết ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Ông Krishna Srinivasan nhận định rằng: "Rõ ràng là thuế quan, rào cản phi thuế quan và các điều khoản về nội địa không phải là giải pháp phù hợp vì chúng làm méo mó dòng đầu tư thương mại và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương".
"Cuối cùng, những biện pháp như thế này sẽ khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư phải trả giá cao hơn", ông nhấn mạnh thêm.
IMF dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8% vào năm 2024, tức tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4 nhưng chậm hơn mức tăng 5,2% của năm ngoái. IMF cho biết tăng trưởng của nước này dự kiến sẽ chậm lại thêm nữa, xuống còn 4,5% vào năm 2025. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,0% vào năm 2024.
Theo Reuters