Trắng tay vì bão: 'Biển lấy đi bao nhiêu sẽ gắng sức gấp 10 để lấy lại'
Đồng Hành

Dù đã mất trắng toàn bộ tài sản sau cơn bão hung ác quét qua, nhưng khi được hỏi việc sẽ bắt đầu lại như thế nào, gần như người dân nuôi trồng thuỷ hải sản tại Vân Đồn đều khẳng định: Không còn đường lùi, biển lấy đi bao nhiêu người dân sẽ nỗ lực gấp 10 để lấy lại.

Không còn đường lùi

Theo anh Nguyễn Văn Cường (39 tuổi), trú tại khu 3, thị trấn Vân Đồn – Cái Rồng, Vân huyện Đồn, tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đã trắng tay, mất toàn bộ tài sản hơn 13 tỷ sau cơn bão số 3, nhưng bản thân anh và gia đình bây giờ không còn đường lùi, phải tiếp tục bám biển. 

Anh Cường kể, năm 2019 thời điểm dịch Covid 19 bắt đầu khó khăn, hàu không được giá, tiếp tục đến năm 2021 chuyển đổi phao hàu xốp qua HDPE, phải bỏ một số tiền lớn ra để đầu tư theo quy định của nhà nước, 2024 thì lại gặp thiệt hại toàn bộ do cơn bão số 3. 

“Mất hết toàn bộ tài sản, nhưng sẽ cố gắp gấp bội để lấy lại từ biển cả”, anh Cường đăm chiêu. 

Nhà bè tan hoang, nhưng những người dân Vân Đồn vẫn đang tích cực sửa chữa, để sớm ra khơi trở lại. Ảnh: Hùng Quốc

Cùng tâm tư, ông Đinh Văn Hoạnh (42 tuổi) buồn bã nói, gia đình bị thiệt hại hơn 2 tỷ đồng trong đợt thiên tai vừa qua, bè cá là nguồn nuôi sống toàn bộ gia đình gồm 2 vợ chồng và 5 người con, nay không còn bất kỳ thứ gì. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch tiếp theo khi đã mất trắng toàn bộ gia sản, người đàn ông nom khắc khổ này khẳng định, phải tiếp tục với nghề nuôi trồng thuỷ sản, không còn con đường nào khác. 

“Gia đình đã bám biển nhiều năm nay, chi phí học hành cho 5 người con, sinh hoạt cho cả nhà cũng từ biển mà có. Tuổi này không biết làm gì khác ngoài nuôi biển”, ông Hoạnh chắc nịch. 

Bè cá song, cá giò của anh Hoạnh tan hoang sau bão, nhưng không ngăn được quyết tâm quay lại bám biển. Ảnh: Xuân Thạch

Còn với người đàn ông đã có hơn 20 sống chết với biển Nguyễn Văn Thành tâm sự, gia đình ông đến nay có 3 đời bám biển, từ thời bố mẹ, bây giờ đến vợ chồng anh và kế nghiệp là người con trai cả của anh Thành, anh Nguyễn Văn Phú (27 tuổi). Bản thân anh cũng đã vỡ nợ đến 3 lần với nghề biển, nhưng chưa bao giờ có ý định từ bỏ bám biển. 

Ông Thành chia sẻ, người dân ở đây không nuôi trồng thuỷ sản, thì không biết làm gì, khu công nghiệp không có, nông nghiệp cũng không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Nếu có thì chỉ đi làm thuê, làm công nhân ở các địa phương khác. 

“45 – 50 tuổi rồi thì công ty nào thuê nữa, không nuôi biển thì biết làm gì”, ông Thành chua xót nói. 

Khuôn mặt “khắc khổ” của người đàn ông hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thuỷ hải sản khẳng định, sống chết cũng phải bám biển. Ảnh: Xuân Thạch

Anh Nguyễn Văn Phú (27 tuổi), chủ nhiệm HTX Ngư Long cho biết, gia đình mới được người thân cho một chiếc bè cũ, đang tiến hành sửa chữa, khắc phục để tiếp tục ra khơi, bám biển. 

“Cả chục ngày nay sau khi cơn bão đi qua, 2 bố con thu dọn những gì còn sót lại, sữa chữa bè, những tàu đã hư hỏng, dù rất đau xót khi toàn bộ tài sản cuốn theo nước biển, nhưng đã sẵn sàng để trở lại, cắm phao, thả giống khi được nhà nước cho phép”, anh Phú nói thêm. 

“Biển lấy đi bao nhiêu, gắng sức gấp 10 để lấy lại”

Đó là khẳng định chắc như “đinh đóng cột” của anh Nguyễn Văn Cường, khi được hỏi về việc tái thiết sản xuất sau khi cơn bão số 3 đã xoá sổ toàn bộ tài sản của mình. 

Anh Cường nói, hiện không mong chờ nhiều sự hỗ trợ tài chính của nhà nước, chỉ mong muốn được tạo mọi điều kiện hỗ trợ về thủ tục hành chính, sớm có quy hoạch để người dân có thể bắt đầu lại sản xuất. 

“Chúng tôi mất từ biển, sẽ lấy lại từ biển, nhưng để thực hiện được quyết tâm đó, các điều kiện thủ tục hành chính phải đơn giản hoá cho người dân, quy hoạch mặt nước là tốt nhưng là thời điểm nào, người dân cần bắt đầu ngay”, ông Cường tâm tư. 

Những mẻ cá đã tiếp tục được đánh bắt, đưa về đất liền khi người dân Vân Đồn quay trở lại bám biển sau bão. Ảnh: Xuân Thạch

Ông Cường chia sẻ, theo quy định của nhà nước để nhận được hỗ trợ thì điều kiện là phải có sổ mặt nước theo nghị định 02/2017. Tuy nhiên, toàn bộ người dân chưa được cấp sổ mặt nước. Hiện người dân đã phải chịu rất nhiều chi phí từ việc đánh giá tác động môi trường, chi phí đo trích lục, đầu tư chuyển đổi…nên rất mong muốn nhà nước tạo điều kiện sớm triển khai, cho người dân có thể bắt đầu lại việc cắm phao, nuôi trồng. 

“Chúng tôi mong muốn làm, để phát triển kinh tế của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người địa phương, kể cả những người già 70 tuổi, và một số tỉnh thành khác đến lao động. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi, biển lấy đi bao nhiêu, người dân sẽ nỗ lực gấp 10 để lại”, ông Cường tự tin. 

2 bố con anh Phú – ông Thành được người thân cho một chiếc bè cũ, đang tiến hành sửa chữa để tiếp tục nuôi trồng. Ảnh: Xuân Thạch

Cùng mong muốn, ông Thành cũng tâm tư, bây giờ chỉ mong muốn được vay thêm vốn để bắt đầu sản xuất lại. Nhà nước và ngân hàng có thể xem xét việc thẩm định lại tài sản cho người dân để có thể được cấp thêm tín dụng. 

Nuôi con hàu, nếu không có thiên tai thì cũng chỉ khoảng 10 tháng là được thu hoạch, cá thì từ 1-2 năm. 

“Điều kiện thuận lợi thì chỉ khoảng 2 năm là có thể phục hồi lại việc sản xuất, bắt đầu có thành phẩm”, ông Thành khẳng định. 

Theo ông Thành, người dân Vân Đồn từ bao đời nay chỉ có nghề biển để làm, trông vào nghề biển để phát triển kinh tế địa phương, tạo an sinh xã hội, sống bám biển “chết” cũng bám biển. Đồng thời, người nuôi trồng thuỷ sản Vân Đồn dám vay vốn, dám làm ăn lớn, dám làm giàu cho quê hương, đất nước.