Việc triển khai đồng loạt 8 trung tâm logistics tại TP.HCM không chỉ tăng cường năng lực vận tải hàng hóa mà còn thúc đẩy kinh tế khu vực, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
TP.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng logistics nhằm tăng cường công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển và hình thành các trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, thành phố hướng tới xây dựng 8 trung tâm logistics quan trọng, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Logistics được TP định vị là ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong kinh tế địa phương và từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tầm nhìn đến 2045, TP.HCM muốn logistics thành ngành kinh tế mũi nhọn, giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thời điểm đó, địa phương kỳ vọng trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ châu Á và thế giới.
Đây được coi là động lực phát triển kinh tế không chỉ của TP.HCM mà còn cho cả khu vực Đông Nam Bộ.
Theo đó, 8 Dự án Logistics trọng điểm bao gồm: Trung tâm logistics Cát Lái (TP. Thủ Đức); Trung tâm logistics Linh Trung (TP. Thủ Đức); Trung tâm logistics Long Bình (TP. Thủ Đức); Trung tâm logistics Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè); Trung tâm logistics Củ Chi (huyện Củ Chi); Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức); Trung tâm logistics Tân Hiệp (huyện Hóc Môn).
Việc triển khai đồng loạt 8 trung tâm logistics tại TP.HCM không chỉ tăng cường năng lực vận tải hàng hóa mà còn thúc đẩy kinh tế khu vực, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Đây là những bước đi chiến lược giúp TP.HCM phát triển bền vững, trở thành đầu mối logistics không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á.
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2030, ngành dịch vụ logistics sẽ đóng góp hơn 8,5% vào GRDP của Thành phố. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp logistics dự kiến đạt 15%-20% mỗi năm.
Đáng chú ý, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics của các doanh nghiệp dự kiến vượt 60%, đồng thời giúp kéo giảm chi phí logistics quốc gia xuống khoảng 12%-15% so với GDP, nâng thứ hạng logistics của Việt Nam trên bảng xếp hạng LPI (Chỉ số Hiệu quả Logistics) toàn cầu lên vị trí 45.
Không chỉ dừng lại ở tầm nhìn 2030, TP.HCM còn hướng tới năm 2045 với mục tiêu ngành logistics đóng góp trên 12% vào GRDP, tốc độ tăng trưởng doanh thu đạt từ 10%-12% mỗi năm. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics sẽ vượt 70%, góp phần giảm tỷ lệ chi phí logistics của cả nước xuống còn 10%-12%.
Từ đó, thành phố kỳ vọng đạt thứ hạng 30 trên thế giới về hiệu quả logistics, biến TP.HCM thành trung tâm logistics hàng đầu Đông Nam Á.
Minh An (t/h)