Ngày 23/8/2024, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), Viện Nghiên cứu Môi trường - Trường Đại học Adelaide, Úc… đã tổ chức Toạ đàm “Thực trạng và chiến lược phát triển Hệ thống lương thực, thực phẩm phát thải thấp tại đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Phan Tại Huân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống lương thực thực phẩm là cả một chuỗi, từ trang trại đến bàn ăn. Chúng ta phải từ thu hoạch, xử lý sau thu hoạch, tồn trữ trung gian, vận chuyển đến nơi chế biến, phát sinh phụ phẩm, phế phẩm, rồi đến bàn ăn.Trong quá trình người tiêu dùng sử dụng cũng có các sản phẩm dư thừa.
Chúng ta tiếp cận theo chuỗi tư duy mới, không chỉ ở một khâu để giảm phát thải mà cần có cách tiếp cận mới trên toàn chuỗi thực phẩm, nhằm đảm bảo để phát triển kinh tế - xã hội và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Các nước đang quan tâm đến các loại lương thực thực phẩm phát thải thấp. Xu thế hiện nay là các sản phẩm muốn xuất khẩu nên phải có yếu tố trung hoà carbon, giảm carbon giá trị sẽ tăng.
PGS.TS Phan Tại Huân phát biểu khai mạc toạ đàm
Trình bày đề tài nghiên cứu tại hội thảo, TS. Phạm Thu Thuỷ tại CIFOR-ICRAF, Trường Đại học Adelaide Úc đưa ra số liệu cụ thể: Phát thải trong lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 31% phát thải toàn cầu. Trong đó, phát thải của lương thực, thực phẩm của Việt Nam chiếm 1% lượng phát thải toàn cầu.
Hiện nay, phát thải có dấu hiệu tăng lên, Việt Nam không nhanh chóng kiểm soát lượng phát thải thì khả năng các nhà đầu tư sẽ chuyển sang các quốc gia khác có lượng phát thải thấp. Theo đó, chiến lược phát triển hệ thống lương thực thực phẩm phát thải thấp tại ĐBSCL đang có cơ hội tốt.
Nông sản ĐBSCL chiếm ưu thế về thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chuỗi liên kết khép kín, từ khâu tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó còn những hạn chế như: quy hoạch vùng và ngành, thu hút đầu tư chưa hiệu quả, cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
TS Phạm Thu Thuỷ đang trình bày đề tải
Theo PGS.TS. Kha Chấn Tuyền - Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM: Thách thức lớn nhất của nông nghiệp vùng ĐBSCL là khâu tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn manh mún, nhỏ lẻ. Do đó cần nhanh chóng nghiên cứu, định hướng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù cho từng địa phương, quy hoạch tập trung để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất có gía trị gia tăng cao, nhanh chóng ứng dụng kỹ thuật công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, giảm phát thải sau thu hoach…
Đại diện Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), ông Quốc Cường cho biết: Canh tác lúa thải ra khí mê tan cao, chủ yếu do phương pháp trồng lúa truyền thống; khi ruộng ngập nước sẽ giải phóng khí mê tan và các khí nhà kính. Nhiều số liệu cho thấy, 1ha lúa phát thải trung bình 12,7 tấn CO2 tương đương mỗi năm. Nếu làm tốt công nghệ canh tác phát thải thấp, sản xuất lúa có thể giảm từ 40% - 65% lượng phát thải (65% tương đương 8,3 tấn CO2, tương đương/năm/ha) trong ngành nông nghiệp sản xuất lúa.
Ông Quốc Cường đưa ra phương pháp tưới ngập - khô xen kẽ, giúp giảm lượng phát thải đến 45%, trồng các lúa ngắn ngày có thể giảm phát thải 7%. Lượng rơm rạ còn lại sau thu hoạch, nếu không đốt có thể giảm phát thải 15%...
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Kết luận buổi toạ đàm, PGS.TS Phan Tại Huân cho rằng các diễn giả đã chia sẻ các nội dung thiết thực đang đặt ra trong cuộc sống, thông qua các dự án, chương trình giảm phát thải được triển khai. Đây cũng là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Chính phủ đặt ra mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn tới, gắn với sản phẩm chủ lực, xuất khẩu ra thị trường thế giới, sản phẩm bao bì gắn với giảm phát thải thấp. Đồng thời đang hoàn thiện các công cụ cụ thể, để đo đạc được khách quan, góp phần giảm phát thải. Điều này cho thấy, phát thải thấp trong lĩnh vực nông nghiệp là con đường tất yếu.
Minh Yến