Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh vừa trình UBND Thành phố dự thảo về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Trong đó, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư công cho Đề án Phát triển hệ thống sắt đô thị TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030 là 21,7 tỷ USD, tương đương 514.441 tỷ đồng.
Với số vốn trên, TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư 6 Dự án metro gồm: tuyến số 1 (Bến Thành - An Hạ) 55.527 tỷ đồng; tuyến số 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm và Tham Lương - An Sương) 48.325 tỷ đồng; tuyến số 3 (Hiệp Phước - Tân Kiên) 62.540 tỷ đồng; tuyến số 4 (Đông Thạnh - Bà Chiêm) 93.657 tỷ đồng; tuyến số 5 (Cần Giuộc - Vành đai 2) 94.296 tỷ đồng; tuyến số 6 (Âu Cơ - Phú Hữu) 160.093 tỷ đồng.
Trong tổng số 21,7 tỷ USD, TP Hồ Chí Minh dự kiến vốn ngân sách địa phương là 12,9 tỷ USD, tương đương 304.441 tỷ đồng. Còn lại 8,7 tỷ USD (tương đương 210.000 tỷ đồng), Thành phố kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2026-2030.
Đối với phần vốn Trung ương hỗ trợ, TP Hồ Chí Minh đề xuất Trung ương xem xét cho phép có cơ chế không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của Thành phố vì số vốn thực hiện Đề án rất lớn, chiếm tỷ trọng rất cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố.
Mặt khác, việc thống kê báo cáo đánh giá thực hiện Đề án trong kế hoạch đầu tư công của Thành phố sẽ dẫn đến tỷ trọng phân bổ vốn cho giao thông đường sắt tăng cao đột biến khi thống kê về tỷ trọng vốn đầu tư công phân bổ theo từng lĩnh vực.
Do đó, việc thống kê vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm không phản ánh được tổng thể việc cân đối, phân bổ nguồn vốn đầu tư hài hòa cho các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ, văn hóa…
Để đánh giá sát và đúng thực tế về hiệu quả thực hiện Đề án, TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần có cơ chế đánh giá riêng về kết quả thực hiện Đề án Phát triển hệ thống sắt đô thị, không tính vào chỉ tiêu đánh giá chung về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Thành phố.
Nam Dương (T/h)