Top cổ phiếu tăng mạnh: BMP vượt đỉnh, nhóm 'trà đá' hút dòng tiền
Chứng Khoán

Trên cả ba sàn, những cổ phiếu tăng mạnh chủ yếu là các mã "trà đá", giao dịch thưa thớt, thanh khoản thấp. Cổ phiếu đầu ngành nhựa BMP là mã "đắt đỏ" hiếm hoi bứt phá và chạm đỉnh lịch sử.

Tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán ghi nhận tín hiệu hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản gia tăng. Theo đó, chỉ số VN-Index tăng hơn 40 điểm, từ mốc 1.238 điểm lên 1.272 điểm. Ngoài ra, thanh khoản cũng ghi nhận tín hiệu đột biến, đạt khoảng 20.000 tỷ đồng/phiên.

Với nhịp hồi phục của thị trường, nhiều cổ phiếu tiếp tục bứt phá với dòng tiền tăng cao.

HoSE: Dấu ấn BMP 

Trên HoSE, tuần qua, cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) tiếp tục bứt phá với đà tăng hơn 20%. Đáng chú ý, mã này đã tăng kịch biên độ 4/5 phiên trong tuần.

Trước đà tăng bất ngờ của cổ phiếu AGM, Angimex khẳng định diễn biến này là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Các quyết định của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu.

Angimex là một trong những doanh nghiệp khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam và từng nằm trong hệ sinh thái Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân - người bị truy tố vì tội thao túng thị trường chứng khoán năm 2022.

Xếp ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu ABR của Công ty CP Đầu tư Nhãn Hiệu Việt với đà tăng 12,9%. Tính theo giá đóng cửa phiên 20/9, vốn hóa của doanh nghiệp ước đạt hơn 280 tỷ đồng. Đáng chú ý, thanh khoản của ABR tương đối thấp, nguyên nhân chủ yếu do lượng lớn cổ phần đều nằm trong tay cổ đông lớn.

Sau ABR, cổ phiếu SVD xếp ở vị trí thứ 3 với đà tăng 11,68%. Diễn biến tích cực của giá cổ phiếu đã đưa vốn hóa của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng vượt 84,5 tỷ đồng. 

Xếp ở vị trí thứ 4 là cổ phiếu NCT của Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài với đà tăng gần 10,9%. Với đà tăng trong tuần vừa qua, vốn hóa của Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài đã vượt 3.000 tỷ đồng. Dưới góc độ kỹ thuật, mã này đã xác lập đỉnh mới và giữ vững xu hướng tăng.

Xếp ở vị trí thứ 5 là cổ phiếu TCO của Công ty CP TCO Holdings với đà tăng 10,83%. Với 18,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của TCO Holdings đã vượt 325 tỷ đồng.

Các vị trí còn lại của top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần bao gồm: TTE (+10,29%), BMP (+9,56%), TDG (+9,38%), IMP (+9,51%), TSC (+8,61%). 

Trong nhóm này, cổ phiếu BMP tiếp tục thu hút được dòng tiền lớn, qua đó đưa vốn hóa của Nhựa Bình Minh vượt 10.000 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HOSE bao gồm: ITA (-15,03%), SMC (-14,37%), TDW (-13,13%), CVT (-7,8%), TPC (-7,58%), FUR (-6,88%), DLG (-6,59%), HU1 (-6,57%), SGR (-6%), HTV (-5%).

HNX và UPCoM: Dòng tiền chảy vào cổ phiếu nhỏ

Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất lần lượt là: MCO (+56,57%), HMR (+53,49%), SPI (+51,52%), PCG (+36,36%), CMS (+20,48%), VTV (+20,29%), TXM (+19,51%), VLA (+19,35%), VIF (+12,26%), DAE (+11,97%).

Trong nhóm này, MCO, HMR, SPI gây ấn tượng mạnh nhất bởi các cổ phiếu liên tục tăng trần trong tuần vừa qua. Nổi bật hơn cả, cổ phiếu SPI đã có hơn 10 phiên tăng trần tính từ đầu tháng cho tới nay. 

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn bao gồm: GKM (-29,39%), VCM (-21,33%), VMS (-16,39%), SGH (-15,14%), ALT (-13,84%), CTP (-12,18%), VC6 (-10,84%), HJS (-10,43%), SGD (-9,93%), DNC (-9,77%). 

Đáng chú ý, cổ phiếu GKM giảm mạnh nhất sàn sau thông tin lấy ý kiến trái chủ về việc kéo dài kỳ hạn trái phiếu GKMH2124001 thêm 2 năm đến 20/9/2026.

Trong khi đó, với mức giảm hơn 12%, cổ phiếu CTP đã phát tín hiệu tạo đỉnh sau đà tăng không ngừng nghỉ. Tính theo giá đóng cửa phiên 20/9, vốn hóa của Công ty CP Minh khang Capital Trading Public đã giảm xuống còn 453 tỷ đồng.

Trên sàn UpCOM, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất lần lượt là: TPS (+60,75%), SAP (+51,14%), V11 (+50,00%), THU (+49,21%), VE9 (+44,44%), VLP (+42,86%), X26 (+40,00%), HES (+39,91%), MDF (+33,82%), VHD (+30,26%).

Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn lần lượt là: NAS (-27,34%), STW (-24,51%), L35 (-22,92%), PLO (-19,05%), SPV (-18,92%), VBH (-18,52%), DVC (-18,18%), HU6 (-18,06%), PEG (-17,72%), XPH (-16,67%).

Nhìn chung, các mã biến động mạnh nhất tuần này trên sàn UPCoM không có diễn biến đáng kể nào khi giao dịch thưa thớt, thanh khoản thấp.