Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan, đến trung tuần tháng 10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD. Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của cả nước.
Nửa đầu tháng 10 (1-15/10), hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều khởi sắc khi duy trì quy mô kim ngạch lớn. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 16,15 tỷ USD. Trong đó, 4 nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng; dệt may. Ngoài ra, nhiều nhóm hàng đạt hàng trăm triệu USD như giày dép; thủy sản; rau quả; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép…
Tính từ đầu năm đến 15/10, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 315,9 tỷ USD.
Chiều ngược lại, nhập khẩu trong nửa đầu tháng 10 đạt 15,78 tỷ USD. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, dụng cụ, phụ tùng là hai nhóm hàng đạt kim ngạch tỷ đô trong nửa đầu tháng 10.
Lũy kế hết 15/10, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 294,66 tỷ USD. Như vậy, tính đến 15/10, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 610,56 tỷ USD. Cán cân thương mại thặng dư 21,24 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho rằng kết quả trên là nhờ hoạt động xúc tiến thương mại thời gian qua đã linh hoạt, đổi mới, kết hợp xúc tiến thương mại truyền thống với hiện đại, gắn với thương mại điện tử, kinh tế số. Từ đầu năm 2024 đến nay, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tăng cường xúc tiến thương mại khai thác các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả khả quan nêu trên, các tham tán thương mại ở nước ngoài cùng đại diện doanh nghiệp nhận định nền kinh tế hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định.
Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhiều thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU... gia tăng mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Đồng thời, đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với đối tác thương mại còn nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, để tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, Bộ triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Huyền My (t/h)