Với 1,6 triệu tỷ đồng vốn được bơm thêm trong 6 tháng qua, ngành ngân hàng đang cho thấy vai trò là “dòng máu” chủ lực, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh lan tỏa trên diện rộng.

Tăng tốc bơm vốn

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà, tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024. Đây cũng là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dòng vốn được định hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thiết yếu và có sức lan tỏa cao như bán buôn - bán lẻ, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp chế biến - chế tạo, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc tín dụng tăng đều ở các lĩnh vực này cho thấy hiệu quả của các chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Với dư nợ vào cuối năm 2024 ở mức 15,6 triệu tỷ đồng, ước tính hệ thống ngân hàng đã bơm thêm ra nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng trong 6 tháng qua.

Ghi nhận từ nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, mức tăng trưởng mạnh và tập trung vào các ngành nghề hỗ trợ nền kinh tế. Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, thông tin, tín dụng 6 tháng năm 2025 tăng 10% so với đầu năm, đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Dòng vốn được phân bổ vào các dự án kinh tế trọng điểm, đặc biệt là các dự án hạ tầng.

Giao dịch tại ngân hàng Sacombank, chi nhánh phường Xuân Hòa, TPHCM. Ảnh: <span style=Hoàng Hùng" title="Giao dịch tại ngân hàng Sacombank, chi nhánh phường Xuân Hòa, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng" />
Giao dịch tại ngân hàng Sacombank, chi nhánh phường Xuân Hòa, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Bên cạnh tài trợ độc lập hoặc làm đầu mối thu xếp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng, Vietcombank đã tập trung cấp tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, các ngành ưu tiên; đồng thời đẩy mạnh tín dụng xanh, xuất khẩu và khách hàng FDI.

Đối với Agribank, dư nợ tín dụng đến ngày 30-6 đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% tổng dư nợ.

Lan tỏa mọi phân khúc của nền kinh tế

Theo ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê - ổn định tiền tệ, tài chính (NHNN), hiện có hơn 100 tổ chức tín dụng phát sinh tỷ lệ dư nợ cho khu vực kinh tế tư nhân. Ngoài ra, có khoảng 209.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa có phát sinh dư nợ tại các tổ chức tín dụng. Điều này khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa đến mọi phân khúc của nền kinh tế.

Cũng theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh quý 3-2025 của NHNN, các ngân hàng thương mại đã nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên mức 16,8%, cao hơn so với tốc độ thực tế của năm 2024 và mục tiêu 16% NHNN đặt ra trong năm 2025. Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu GDP năm 2025 tăng tối thiểu 8%, tín dụng tiếp tục được kỳ vọng là động lực then chốt thúc đẩy tăng trưởng.

Khách hàng giao dịch tại Agribank TPHCM. Ảnh: MINH HUY
Khách hàng giao dịch tại Agribank TPHCM. Ảnh: MINH HUY

Công ty Chứng khoán MBS dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ nằm trong khoảng 17%-18%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất, tiêu dùng nội địa và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Khối nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn bấp bênh liên quan đến chính sách thuế như hiện nay, động lực tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm có thể đến từ các dự án liên quan bất động sản và hạ tầng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định, tín dụng nửa đầu năm 2025 tăng khá, nhưng dư địa còn lớn. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, tương đương 2,5-3 triệu tỷ đồng, hiện còn khoảng 1,4 triệu tỷ đồng có thể bơm ra từ nay đến cuối năm, đủ hỗ trợ tăng trưởng GDP 8% và giữ lạm phát dưới 4,5%.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu đề nghị tính toán kỹ việc phân bổ vốn, bên cạnh tập trung vào hạ tầng, công nghệ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cân nhắc “chảy” vào chứng khoán, vàng, bất động sản bởi có thể gây bong bóng tài sản, rủi ro tài chính.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG:

Đa dạng nguồn vốn, tránh phụ thuộc vào vốn tín dụng

Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm nay, NHNN đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, nhưng sẽ điều chỉnh linh hoạt theo thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng - yếu tố then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao cần dựa vào cả vốn trong và ngoài nước, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Với tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP đã lên tới 134% cuối năm 2024, nếu tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống và ảnh hưởng đến tính bền vững của tăng trưởng. Đây là vấn đề Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần đặc biệt lưu ý trong thời gian tới.

HẠNH NHUNG