Tăng trưởng tín dụng bứt tốc vào cuối quý III nên tính đến đến ngày 27/9 đã đạt 8,53%, cao hơn đáng kể so với kết quả 6,24% ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết tính, đến thời điểm 27/9, tăng trưởng tín dụng đạt 8,53% so với đầu năm, trong khi cùng thời điểm này năm ngoái tăng trưởng mới chỉ là 6,24%.
Như vậy, có thể ước tính từ đầu năm đến gần cuối quý III, dư nợ toàn nền kinh tế đã tăng thêm 1,16 triệu tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng quý III, dư nợ đã tăng thêm gần 330.000 tỷ đồng hay 2,43%. TCTK đánh giá kết quả tăng trưởng tín dụng trên đạt mức khá.
Tín dụng đã có sự tăng tốc rõ rệt trong tháng 9 so với giai đoạn đầu quý III. Trước đó, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 7 đạt 5,93%, giảm so với thời điểm cuối quý II. Tuy nhiên, đến ngày 17/9, tăng trưởng tín dụng đã lên mức 7,38%.
Ngoài ra, báo cáo của TCTK cho biết đến ngày 27/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,1% so với cuối năm 2023, trong khi cùng thời điểm này năm trước tăng 5,4%. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79%, trong khi cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%.
Về lãi suất cho vay, TCTK cho biết tính đến tháng 8/2024, lãi suất cho vay đã giảm hơn 1,0% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay bình quân bằng VND của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8%-9,2%/năm.
Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng đồng Việt Nam đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 4%/năm.
Tổng cục Thống kê đánh giá tín dụng cơ bản tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn hệ thống. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có 32/40 ngân hàng đăng ký các gói tín dụng mới với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5 - 2 điểm % để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Về tín dụng chính sách xã hội, tính đến ngày 30/9, tổng số vốn giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 90.233 tỷ đồng, với hơn 1,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn trong năm. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 357.300 tỷ đồng, tăng 25.300 tỷ đồng hay 7,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, TCTK nhận định tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 30/9, tỷ giá trung tâm ở mức 24.093 VND/USD, tăng 0,95% so với thời điểm cuối năm 2023.
Minh An (t/h)