Tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023
Ngân Hàng

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023.

Tín dụng nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi trở lại sau khi sụt giảm vào cuối tháng 7. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023 trong khi trước đó đến hết tháng 7, tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.

Bước sụt giảm và phục hồi diễn ra sau khi tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 đã cán đích mục tiêu được Chính phủ đề ra trước đó có phần giống với giai đoạn tăng tốc cuối năm 2023 và sụt giảm trong quý đầu năm 2024, sau đó lại tăng trở lại từ quý II.

Tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023- Ảnh 1.

Việc tín dụng cải thiện rõ nét trong thời gian qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, bên cạnh nền kinh tế phục hồi tích cực, một phần cũng nhờ mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý. Ở góc độ cơ quan quản lý, từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Về phía các NHTM cũng cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.

Với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, NHNN, sự nỗ lực của các NHTM, đã hỗ trợ cho việc hấp thụ vốn của nền kinh tế tăng trở lại. Bên cạnh đó, với việc Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực, giới chuyên môn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ an toàn, bền vững hơn khi các điều khoản tại luật hướng đến việc tạo thuận lợi cho người mua nhà. 

Ví như: chủ đầu tư dự án BĐS chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; việc thanh toán được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc... Đặc biệt để góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên 1 triệu nhà ở xã hội đến năm 2030, quy mô gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội lên thành 140.000 tỷ đồng với những điều khoản thay đổi chính sách ưu đãi có lợi cho người mua nhà.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp. Những thay đổi trong Luật TCTD cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi các quy định theo hướng phát triển bền vững hệ thống ngân hàng, nâng cao tính minh bạch, phát triển tín dụng tiêu dùng. 

Hay như Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo đó, để thúc đẩy tín dụng, khách hàng vay vốn ngân hàng từ 100 triệu đồng trở xuống không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi. 

Các quy định này nhằm phù hợp với việc phát triển tín dụng tiêu dùng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản, qua đó hạn chế “tín dụng đen”.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra ở mức 14-15%/năm trong năm 2024 theo giới chuyên môn là có thể đạt được. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. 

Đồng thời, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Huyền My (t/h)