Sau khi những lo lắng về thanh tra, kiểm tra thuế, xuất xứ hàng hóa... được cơ quan chức năng giải thích cặn kẽ, tiểu thương tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM đã rục rịch mở cửa bán hàng trở lại.

Quầy hàng sáng đèn

Tại chợ An Đông (phường An Đông), khu vực kinh doanh quần áo thời trang đã sáng đèn trở lại, hàng hóa được bài trí gọn gàng, nhân viên trở lại làm việc. Không khí nhộn nhịp hơn so với đầu tháng 6, khi cả tầng 1 và tầng 2 vắng hoe, nhiều sạp hàng đóng cửa im lìm do lo lắng bị kiểm tra truy thu thuế, nguồn gốc hàng hóa.

“Phần lớn hàng hóa được lấy từ Trung Quốc, ghi giấy tay và không có hóa đơn đầu vào chứng minh nguồn gốc nên sợ cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt. Nay thấy cơ quan chuyên trách đang tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho bà con, trong đó có kiến nghị kê khai đóng thuế trên số hàng không hóa đơn đầu vào nên tôi mở bán trở lại”, bà T.N., chuyên mặt hàng mắt kiếng, trang sức xi mạ, chia sẻ.

Khách mua quần áo tại chợ An Đông, phường An Đông, TPHCM. Ảnh: <span style=Đức Trung" title="Khách mua quần áo tại chợ An Đông, phường An Đông, TPHCM. Ảnh: Đức Trung" />
Khách mua quần áo tại chợ An Đông, phường An Đông, TPHCM. Ảnh: Đức Trung

Có gần 40 năm kinh doanh tại chợ An Đông, bà N.N. cho rằng, việc tiến tới kinh doanh chuyên nghiệp là điều cần thiết. “Tới đây khi bỏ thuế khoán, chúng tôi phải nộp theo doanh thu thực tế, ghi sổ sách kế toán, lập và lưu trữ hóa đơn chứng từ, đầu tư máy móc kết nối cơ quan thuế. Trước sau gì cũng phải kinh doanh chuyên nghiệp hơn, nên tôi đang xem xét chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp”, bà N.N. dự tính.

Cách chợ An Đông hơn 2km, xung quanh khu Thương xá Đồng Khánh (tên gọi khác là chợ vải Soái Kình Lâm, phường Chợ Lớn) cũng sôi động hơn so với đầu tháng 6. Các điểm bán trên các đường Trần Hưng Đạo, Đỗ Ngọc Thạnh, Dương Tử Giang… đều đặn có khách ra vào.

Hướng đến kinh doanh hiện đại

Ban Quản lý chợ An Đông đang phối hợp Chi cục Quản lý thị trường TPHCM và cơ quan thuế địa phương tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn thêm cho tiểu thương nắm vững những quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa cũng như thao tác khi thực hiện xuất hóa đơn điện tử.

Ở chợ Bến Thành (phường Bến Thành), ngoài việc phối hợp cơ quan chức năng tập huấn cho tiểu thương, ban quản lý cũng xem xét điều chỉnh mức thuế khoán phù hợp thực tế kinh doanh của một số hộ, kịp thời xử lý các vướng mắc của người kinh doanh…

Tại chợ Bình Tây (phường Bình Tây), Trưởng Ban Quản lý Nguyễn Ngọc Quế Phương thông tin, một số tiểu thương lớn tuổi, không thích nghi kịp với tình hình kinh doanh hiện tại, hoặc không có người hỗ trợ nên tạm ngưng kinh doanh, cho thuê hoặc sang nhượng sạp.

“Để hỗ trợ bà con kinh doanh hiệu quả, từ đầu tháng 5 đến nay, ban quản lý chợ thường xuyên phối hợp cơ quan thuế địa phương, lực lượng quản lý thị trường tập huấn cho bà con kinh doanh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, quy định về sử dụng hóa đơn điện tử”, bà Quế Phương cho hay.

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương nhận định, các tiểu thương chợ truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức do sức ép từ thương mại điện tử, chi phí gia tăng. Quy định mới về hóa đơn điện tử, thuế và bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tác động lớn đến hoạt động kinh doanh của bà con. Hơn 50% tiểu thương trên 50 tuổi gặp khó khăn về công nghệ, lo lắng khi sử dụng hóa đơn điện tử và thiếu nhân sự kế toán; chi phí vận hành tăng cao do giá điện, rác thải tăng và mua sắm trang thiết bị xuất hóa đơn điện tử…

Sở Công thương TPHCM đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lộ trình linh hoạt, phân kỳ cho các quy định mới về hóa đơn điện tử, thuế và bảo hiểm xã hội để tiểu thương có thời gian thích ứng. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tiền điện, nước, rác, chi phí mua sắm thiết bị và miễn phí xuất hóa đơn điện tử.

Nhiều sạp hàng tại chợ An Đông có khách mua hàng lai rai vào chiều 27-6. Ảnh: ĐỨC TRUNG
Nhiều sạp hàng tại chợ An Đông có khách mua hàng lai rai vào chiều 27-6. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Đề xuất giảm thuế, chống hàng giả

Tại chợ Vũng Tàu (phường Vũng Tàu), một số ki-ốt buôn bán vải, quần áo, giày dép, đồ trang sức đã mở cửa hoạt động sau một thời gian tạm ngưng kinh doanh. Ghi nhận trên đường Ba Cu, tuyến đường tập trung các cửa hàng về thời trang, giày, dép đông đúc bậc nhất ở Vũng Tàu, một số cửa hàng mở bán bình thường. Nhiều nơi có mặt bằng tốt thì chuyển sang kinh doanh cà phê hoặc cho thuê văn phòng.

Từ năm ngoái, nhiều tiểu thương khu vực Trung tâm Thương mại Bà Rịa (phường Bà Rịa) đã trả ki-ốt vì kinh doanh vắng khách. Trước những khó khăn này, tiểu thương kiến nghị chính quyền mạnh tay hơn với nạn buôn bán tự phát, hàng giả và có chính sách giảm thuế để hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống vượt qua khó khăn.

Trên địa bàn phường Lái Thiêu, một số tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đã bắt đầu nhập hàng hóa bổ sung về bán sau thời gian trầm lắng do lực lượng chức năng truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Thoa (35 tuổi, kinh doanh quần áo thời trang tại phường Lái Thiêu) cho biết: “Chị em tiểu thương đang bàn nhau nhập hàng hóa đa dạng mẫu mã, giá rẻ và chất lượng tốt hơn để bán cho khách hàng”.

ĐỨC TRUNG - PHÚ NGÂN - XUÂN TRUNG