Thương mại song phương Việt Nam - Nga đạt 2,74 tỷ USD
Xuất Nhập Khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đã đạt 1,36 tỷ USD, tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam đạt 1,38 tỷ USD, tăng 44,6%.

Thương mại song phương Việt Nam - Nga đạt 2,74 tỷ USD- Ảnh 1.

Về các mặt hàng xuất khẩu sang Nga, nhiều nhóm hàng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Dẫn đầu là mặt hàng sắt thép các loại, với kim ngạch đạt 697,9 triệu USD, tăng 166% về giá trị và 240% về khối lượng. Tiếp theo là các sản phẩm bánh kẹo và ngũ cốc, đạt 18,1 triệu USD (tăng 116%); thủy sản đạt 116,7 triệu USD (tăng 105%); và dệt may đạt 458,9 triệu USD (tăng 95,7%).

Gạo đạt 4,7 triệu USD (tăng 92,6% về giá trị và 61% về khối lượng); gỗ và sản phẩm gỗ - 3,2 triệu USD (tăng 75%); hạt tiêu - 15,7 triệu USD (tăng 98,4% về giá trị, tăng 48,2% về khối lượng); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 141,1 triệu USD (tăng 91%); hạt tiêu đạt 15,7 triệu USD (tăng 60%), tuy nhiên các mặt hàng này giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2024. Mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô dù trong 7 tháng đầu năm đã tiếp tục đà phục hồi đạt 10,7 triệu USD (tăng 27,3%).

Về mặt hàng nhập khẩu từ Nga, phân bón dẫn đầu với giá trị nhập khẩu đạt 165,5 triệu USD, tăng 325% và khối lượng đạt 364 ngàn tấn, tăng gần 400%. Than các loại đạt 657 triệu USD, tăng 46,4% về giá trị và 68% về khối lượng. Hóa chất nhập khẩu đạt 54,1 triệu USD, tăng 83,8%, trong khi giấy các loại đạt 6,6 triệu USD, tăng 173,6%. Linh kiện và phụ tùng ô tô đạt 16,7 triệu USD, tăng 162%, và các phương tiện vận tải khác cùng phụ tùng đạt 3,6 triệu USD, tăng 98,4%. 

Đặc biệt, sản phẩm lúa mì tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt 26,8 triệu USD, tăng 93,1% về giá trị và 78,2% về khối lượng so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2023, Việt Nam không nhập khẩu lúa mì.

Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tiếp tục xu hướng giảm trong các tháng gần đây, chỉ đạt 64,1 triệu USD, giảm 11,1%. Các sản phẩm từ dầu mỏ cũng giảm mạnh, chỉ đạt 988 ngàn USD, giảm 47,2%. 

Tương tự, dây điện và dây cáp điện giảm sâu, chỉ còn 146 ngàn USD, giảm 70,6%. Các sản phẩm hóa chất đạt 1,1 triệu USD, giảm 24,7%. Đáng chú ý, mặt hàng sắt thép các loại tuy đã tăng 109% so với 6 tháng đầu năm 2024, nhưng vẫn giảm mạnh 82,7% so với cùng kỳ năm 2023, chỉ đạt 177 ngàn USD.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng nhanh chóng trong kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga chủ yếu nhờ vào Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Việt Nam - EAEU FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Nga thường xuyên trao đổi và tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp về tình hình thị trường, hợp tác với đối tác Nga; hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng; và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia triển lãm tại Nga.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt tình hình thị trường và giải quyết các khó khăn, Thương vụ Việt Nam tại Nga đã tích cực hợp tác với các hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, Thương vụ cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến nhằm kết nối và thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nga, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy sản và nông sản.

An Mai (t/h)