Thuế quan mới của Mỹ gây chấn động: Lo sợ 'chạy đua xuống đáy'
Quốc Tế

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn, mức thuế “Ngày giải phóng” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố không chỉ đặt ra thách thức lớn với các đối tác thương mại mà còn có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thuế quan diện rộng.

Úc: “Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy”

Thủ tướng Úc Anthony Albanese lên án mức thuế 10% của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng xuất khẩu của nước này là "hoàn toàn không có cơ sở".

“Những mức thuế này không phải là bất ngờ, nhưng tôi xin nói rõ, chúng hoàn toàn không có cơ sở. Tổng thống Trump đã nhắc đến thuế quan có đi có lại. Thuế quan có đi có lại sẽ là 0%, không phải 10%”, ông Albanese phát biểu trong cuộc họp báo chung ngày 4/2 tại Melbourne với Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong và Bộ trưởng Thương mại Don Farrell.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Ảnh: AFP)

“Đây không phải là hành động của một người bạn. Quyết định hôm nay sẽ làm tăng thêm sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu – và sẽ đẩy chi phí cho các hộ gia đình Mỹ lên cao”, nhà lãnh đạo Úc nhấn mạnh thêm.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho rằng động thái này có thể thay đổi nhận thức của người Úc về mối quan hệ giữa đất nước họ với Mỹ.

Ông Albanese đã loại trừ khả năng áp dụng bất kỳ mức thuế trả đũa nào đối với Mỹ, nói rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người "trả giá đắt nhất".

“Chúng tôi sẽ không tham gia vào cuộc đua xuống đáy dẫn đến giá cả cao hơn và tăng trưởng chậm hơn. Chúng tôi sẽ bảo vệ Úc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra lập luận mạnh mẽ nhất để loại bỏ những mức thuế quan vô lý này khỏi các nhà xuất khẩu của chúng tôi”, ông nói.

Thủ tướng Úc nhấn mạnh thêm: “Thỏa thuận thương mại tự do hiện tại của chúng tôi với Mỹ có cơ chế giải quyết tranh chấp. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề này mà không cần dùng đến cơ chế này”.

Canada: Thuế quan của TT Trump sẽ "thay đổi cơ bản hệ thống thương mại quốc tế"

Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết mức thuế quan tương hỗ do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ “làm thay đổi căn bản hệ thống thương mại quốc tế”.

Thủ tướng Canada Mark Carney (Ảnh: Reuters)

Canada, giống như Mexico, được miễn thuế quan trong “Ngày giải phóng” nhưng vẫn phải chịu mức thuế 25% đã công bố trước đó đối với những hàng hóa không thuộc phạm vi của Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).

Phát biểu sau thông báo của Tổng thống Trump ngày 2/4, ông Carney cho biết tổng thống Mỹ "đã duy trì một số yếu tố quan trọng" của mối quan hệ thương mại giữa hai nước, nhưng nói thêm rằng thuế quan đối với fentanyl, thuế quan đối với thép và nhôm, và thuế quan đối với ô tô sẽ vẫn được áp dụng.

“Hàng loạt biện pháp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người dân Canada. Chúng tôi sẽ chống lại các mức thuế quan này bằng các biện pháp đối phó”, ông Carney cho biết.

“Biểu thuế mà Nhà Trắng đưa ra không phản ánh đúng thực tế”

Về phía New Zealand, Bộ trưởng Thương mại Todd McClay cho biết biểu thuế mà Nhà Trắng đưa ra không phản ánh đúng thực tế.

"Chúng tôi không có mức thuế 20%", một quan chức New Zealand nói, khẳng định hệ thống thuế của nước này có mức rất thấp và con số chính xác phải dưới mức 10% mà Mỹ áp dụng chung cho tất cả các quốc gia.

Quang cảnh cảng ở San Pedro, Los Angeles, California vào ngày 2/4 (Ảnh: Allen J. Schaben/Los Angeles Times/Getty Images)

Vị quan chức này nhấn mạnh thêm rằng New Zealand “sẽ không tìm cách trả đũa vì điều đó khiến giá cả leo thang và làm tăng lạm phát".

Tổng thống Chile, ông Gabriel Boric, cảnh báo rằng các biện pháp thuế quan không chỉ gây ra sự bất ổn mà còn thách thức những nguyên tắc đã được thống nhất trong thương mại quốc tế. Hiện tại, Chile đang chịu mức thuế đối ứng cơ bản là 10%.

Trong khi đó, chính phủ Anh khẳng định rằng Mỹ vẫn là "đồng minh thân cận nhất" của họ. Bộ trưởng Kinh doanh Jonathan Reynolds bày tỏ hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại nhằm giảm thiểu tác động từ mức thuế 10% này.

Tuy nhiên, ông Reynolds cũng nhấn mạnh rằng "không có gì là không thể bàn tới", đồng thời khẳng định chính phủ Anh sẽ làm tất cả những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tại châu Âu, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni chỉ trích mức thuế 20% mà Mỹ mới áp dụng đối với Liên minh châu Âu (EU), gọi đây là một quyết định "sai lầm" và không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào.

"Chúng tôi sẽ làm mọi cách để đạt được một thỏa thuận với Mỹ, nhằm tránh một cuộc chiến thương mại có thể làm suy yếu phương Tây và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối thủ toàn cầu", bà Meloni tuyên bố. Bà cũng khẳng định chính phủ Italy sẽ hành động vì lợi ích quốc gia và nền kinh tế, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu để tìm giải pháp phù hợp.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng châu Âu cần hành động ngay và đẩy nhanh cải cách kinh tế để có thể cạnh tranh trong một thế giới mà bà gọi là "đảo ngược".

Theo CNN, AP