Sáng 3-7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ trong thời gian tới. Cuộc họp báo do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì.

Một trong nội dung được báo chí quan tâm nhiều là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt liên quan đến vụ thịt heo không đảm bảo ATTP và dịch bệnh được đưa vào hệ thống bán lẻ. Dù cơ quan điều tra đã có văn bản kết luận chưa đủ yếu tố để khởi tố, nhưng dư luận tiếp tục đặt câu hỏi về hiệu quả quản lý giết mổ và kiểm soát dịch bệnh, ATTP của các cơ quan chuyên ngành.
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Thú y, cho biết, thực hiện chỉ đạo của bộ, lực lượng chuyên ngành đã thường xuyên kiểm tra công tác kiểm soát giết mổ, dịch bệnh và vệ sinh ATTP…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu làm rõ khái niệm “thường xuyên và liên tục” là như thế nào? Ông cho rằng cách trả lời vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề là không phù hợp.
Thứ trưởng Tiến thẳng thắn chỉ ra tình trạng quản lý giết mổ và chế biến thực phẩm trong nhiều năm qua rất yếu kém, đến nay mới chỉ có các đề án trên giấy, còn việc triển khai thực tế hầu như chưa rõ nét.
Ông cho biết, theo thống kê, Việt Nam hiện có 484 cơ sở giết mổ tập trung và 24.640 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. So với yêu cầu giám sát được nêu trong Nghị quyết 13 của Quốc hội về ATTP thì tình hình hiện nay có dấu hiệu ngày càng kém hơn. Ông Tiến yêu cầu đại diện Cục Chăn nuôi - Thú y phải nêu rõ kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian tới.
Đáp lại, ông Phạm Kim Đăng cho rằng việc đảm bảo ATTP phụ thuộc lớn vào vai trò của chính quyền địa phương và hệ thống thú y cơ sở. Theo ông, địa phương nào làm nghiêm thì sẽ kiểm soát tốt, đồng thời cũng cần sự vào cuộc của người tiêu dùng và các bộ, ngành liên quan.
Ông Đăng thông tin thêm, hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C05 - Bộ Công an). Theo ông, chỉ cơ quan điều tra mới có thẩm quyền và công cụ đủ mạnh để xử lý, trong khi ngành thú y gặp khó trong việc kiểm tra, xử phạt.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phản bác, cho rằng nhận định như vậy là chưa chính xác. Ông khẳng định ngành chăn nuôi - thú y hoàn toàn có thẩm quyền xử lý vi phạm như: thu hồi giấy phép, xử phạt hành chính… và không thể đùn đẩy trách nhiệm cho cơ quan khác.
Tiếp tục yêu cầu làm rõ kế hoạch sắp tới, Thứ trưởng nhấn mạnh, lãnh đạo Cục Chăn nuôi - Thú y cần xác định rõ trách nhiệm và đề xuất cụ thể các giải pháp thực hiện.
Theo đó, ông Đăng cho biết, cục sẽ có văn bản gửi các địa phương yêu cầu tăng cường giám sát, đồng thời đề nghị các tỉnh rà soát lại đội ngũ kiểm dịch viên và đánh giá điều kiện các cơ sở giết mổ. Ông cũng thừa nhận, do việc sắp xếp tổ chức thời gian qua nên một số bộ phận thú y hiện đang thiếu nhân lực.
Đề cập cụ thể đến vụ việc của C.P Việt Nam, ông Đăng thông tin Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang (trước khi sáp nhập) đã có văn bản gửi cục, trong đó báo cáo đã kỷ luật viên chức Nguyễn Long Cương và kiểm điểm trách nhiệm Ban lãnh đạo Trạm Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản huyện Phụng Hiệp vì buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm trong kiểm soát giết mổ.
Kết luận tại họp báo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu cán bộ và lãnh đạo ngành nếu tham gia họp báo phải nắm vững tình hình, có năng lực và trách nhiệm. “Nếu không nắm được vấn đề thì không nên đi họp báo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Ông khẳng định, ATTP là vấn đề rất hệ trọng, không thể xử lý theo kiểu hình thức, nói suông hoặc chỉ dựa vào khẩu hiệu kiểu “giải pháp đồng bộ”…
Tại cuộc họp báo sáng 3-7, báo chí đã đề cập thông tin phía Hoa Kỳ vừa thông báo kết quả đàm phán về thuế đối ứng với hàng hóa của Việt Nam. Theo đó, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ nếu chứng minh có nguồn gốc hoàn toàn Việt Nam thì sẽ áp mức thuế 20%, còn hàng trung chuyển (của nước thứ 3) thì phải chịu thuế 40%, đồng thời hàng hóa của Hoa Kỳ vào Việt Nam được áp thuế là 0%... Tuy nhiên, cán bộ đại diện cho các ngành, lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, gỗ và lâm sản... lại không nắm được thông tin cụ thể, trả lời không đúng trọng tâm, trọng điểm.
PHÚC VĂN