Theo Bộ Tài chính, trong 7 tháng năm 2024, đã thực hiện thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp với tổng giá trị phần vốn nhà nước là 139 tỷ đồng, thu về 149,2 tỷ đồng. Trong đó, UBND thành phố Hải Phòng thoái vốn tại 3 doanh nghiệp; Bộ Xây dựng thoái vốn tại 1 doanh nghiệp.
Về công tác quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết đã tham gia ý kiến với các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức và trích lập các quỹ và xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của các doanh nghiệp nhà nước; các vấn đề liên quan đến các Dự án dầu khí; về đề án, chủ trương và phương án xử lý đối với Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và DA khai thác, tuyển quặng sắt Mỏ Quý Xa, nhà máy gang thép Lào Cai.
Ngân sách thu về gần 150 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ảnh minh họa, internet)
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc tổng hợp báo cáo kết quả giám sát tài chính 6 tháng đầu năm 2023; có công văn gửi các đơn vị liên quan về việc thực hiện báo cáo giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2023.
Thực hiện giám định tư pháp và định giá tài sản theo phân công; công tác thẩm định hồ sơ dự án đối với hoạt động đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp; Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DATC và BVH.
Theo Bộ Tài chính, tính đến tháng 7/2024, đã có 103 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 7/2024, các đơn vị tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 và Quyết định số 184/QĐ-TTg ngày 20/2/2024, nhưng chưa có doanh nghiệp nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Huyền My (t/h)